Thời sự
Cập nhật lúc 11:59 26/04/2025 (GMT+7)
Bước tiến pháp lý quan trọng thúc đẩy tín dụng xanh phát triển

Danh mục phân loại xanh quốc gia được kỳ vọng tạo nền tảng pháp lý thúc đẩy tín dụng xanh đi vào thực tiễn.

Những quy định riêng về tín dụng xanh và trái phiếu xanh

Tại Hội thảo “Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh” do Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức, diễn ra ngày 25.4.2025, TS. Lại Văn Mạnh - Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để gửi Danh mục phân loại xanh trình Chính phủ. Đây là bước đi quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường tài chính xanh”.

Theo TS. Lại Văn Mạnh, lần đầu tiên, Luật Bảo vệ môi trường đã có bước tiến đột phá khi đưa vào hai điều khoản riêng biệt về tín dụng xanh và trái phiếu xanh – tạo nền tảng pháp lý cho việc huy động và phân bổ dòng vốn phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng đây là những vấn đề mới mẻ không chỉ với Việt Nam mà cả thế giới. Mỗi quốc gia có đặc thù thể chế, chính sách, mục tiêu môi trường và trình độ phát triển khác nhau, nên cách tiếp cận Danh mục phân loại xanh cũng rất đa dạng.

TS. Lại Văn Mạnh - Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Ảnh: Hải Nguyễn
TS. Lại Văn Mạnh - Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Ảnh: Hải Nguyễn

Thống kê đến nay cho thấy, có hơn 35 bộ danh mục phân loại xanh đã được công bố hoặc đang hoàn thiện, dưới dạng khung phân loại, hướng dẫn kỹ thuật hoặc quy định có tính pháp lý. Trong đó, các danh mục của EU, Trung Quốc, ASEAN được đánh giá là toàn diện và cập nhật. Dù có khác biệt, nhưng các danh mục đều hướng tới mục tiêu chung là xác định đâu là khoản đầu tư “xanh”, từ đó làm cơ sở để cơ quan quản lý, tổ chức tài chính và nhà đầu tư đưa ra quyết định phù hợp với định hướng phát triển bền vững.

Danh mục phân loại xanh là nền tảng để mở rộng vốn đầu tư xanh

Trên thế giới hiện có ba cách tiếp cận chính trong xây dựng Danh mục phân loại xanh. Thứ nhất là tiếp cận theo nguyên tắc “Danh sách trắng” – tức xác định trước các ngành nghề, công nghệ đủ điều kiện. Thứ hai là tiếp cận dựa trên tiêu chí sàng lọc kỹ thuật như EU, Hàn Quốc, Nam Phi đang áp dụng. Thứ ba là tiếp cận theo nguyên tắc linh hoạt, phổ biến ở Malaysia và Nhật Bản, dựa trên các khung hướng dẫn và nguyên tắc xanh.

Hội thảo “Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh” do Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức, diễn ra ngày 25.4.2025. Ảnh: Hải Nguyễn
Hội thảo “Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh” do Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức, diễn ra ngày 25.4.2025. Ảnh: Hải Nguyễn

Với Việt Nam, TS. Lại Văn Mạnh đề xuất một số lĩnh vực cần ưu tiên đưa vào Danh mục phân loại xanh như năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, thủy triều, hydrogen xanh...), giao thông không phát thải, công trình đạt tiêu chuẩn xanh, cấp thoát nước, nông nghiệp tuần hoàn, nuôi trồng thủy sản bền vững, xử lý chất thải và sản xuất thân thiện môi trường.

Một yêu cầu cốt lõi trong xác định dự án xanh là phải đáp ứng tiêu chí về hiệu suất, công nghệ, vật liệu và đặc biệt là không gây hại đáng kể đến các mục tiêu môi trường khác. Các dự án phải tuân thủ quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường và các quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.

Về cơ chế xác nhận dự án xanh, TS Mạnh cho rằng nên đa dạng hóa hình thức xác nhận, có thể tự xác nhận hoặc thông qua tổ chức tư vấn độc lập. Trường hợp cần thiết để áp dụng chính sách ưu đãi, Nhà nước có thể ủy quyền cho các tổ chức đủ năng lực thực hiện việc xác nhận theo chuẩn quốc tế nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Tổng thể, việc xây dựng hệ thống Danh mục phân loại xanh phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng được điều chỉnh theo điều kiện Việt Nam là một trụ cột quan trọng cho chiến lược tài chính xanh. Không chỉ giúp định hình rõ ràng các dự án được ưu tiên đầu tư, khung phân loại này còn tạo cơ sở để mở rộng tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh và thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế phục vụ tăng trưởng xanh.

Theo các chuyên gia, nền tảng pháp lý chặt chẽ sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho tổ chức tín dụng khi cho vay các dự án xanh, đồng thời khuyến khích nhiều chủ đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất – kinh doanh theo hướng thân thiện môi trường. Đây là điều kiện tiên quyết để tín dụng xanh thực sự trở thành dòng vốn chủ lực trong giai đoạn chuyển đổi xanh tại Việt Nam.

https://laodong.vn/kinh-doanh/buoc-tien-phap-ly-quan-trong-thuc-day-tin-dung-xanh-phat-trien-1497123.ldo

LỤC GIANG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: