Lao động part-time phổ biến trong nhóm nhà hàng, bán lẻ. Ảnh: Quỳnh Chi
Ưu, nhược điểm khi sử dụng nhân sự part-time
Anh Nguyễn Minh Ngọc là chủ một công ty vừa buôn bán, cung ứng hàng tiêu dùng Nhật Bản, vừa có hệ thống nhà hàng Nhật Bản tại Hà Nội.
Nhân sự trong công ty anh Ngọc chia thành 2 nhóm chính: Nhóm văn phòng (hành chính, kế toán) lo vận hành mảng cung ứng hàng tiêu dùng và cung ứng nguyên liệu cho chính hệ thống nhà hàng; nhóm vận hành hoạt động của nhà hàng.
Anh Ngọc cho hay, với khối văn phòng, tỉ lệ dùng nhân sự part-time (làm việc bán thời gian) khoảng 15%, lương cho nhân sự thực tập, học việc khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Khối vận hành hoạt động nhà hàng, nhân sự part-time chiếm khoảng trên dưới 20%. Trong đó, nhà hàng cơ sở 1 của công ty có 96 nhân sự, part-time 22 nhân sự, chiếm 23%; nhà hàng cơ sở 2 có 62 nhân sự, part-time 9 nhân sự, chiếm 15%.
“Chúng tôi chấp nhận được tỉ lệ nhân sự part-time này và xác định khối này có sự luân chuyển/ra - vào thường xuyên. Vì chủ động nên sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống nhà hàng. Hiện công ty trả lương cho lao động part-time nhóm nhà hàng khoảng 25.000 đồng/giờ.
Các bạn được nhận vào làm việc có thời gian đào tạo, đánh giá lại trong 3 ngày. Lao động nhóm này cũng được chủ động đăng ký làm theo khung giờ nhà hàng quy định: Ca sáng: 10-14h, ca chiều: 17-22h”, anh Ngọc cho biết.
Cũng theo anh Ngọc, việc sử dụng nhân sự part-time có cả ưu điểm và nhược điểm. Về ưu điểm, nguồn nhân lực có nhu cầu làm part-time nhiều, dễ tuyển. Bất cập lớn nhất là thời gian làm việc nhân sự part-time đăng ký phụ thuộc nhiều vào lịch học (90% nhân sự part-time là sinh viên) ở trường.
Cũng chấp nhận tới 20% tỉ lệ nhân sự làm part-time, anh Trần Văn An - Giám đốc một công ty chuyên kinh doanh đồ sứ nhập khẩu - cho hay, gần 16 năm hoạt động, công ty anh có hơn chục năm dùng nhân sự part-time.
“Tôi thậm chí đã chọn những nhân sự part-time ưng ý, đào tạo, đồng hành, chờ các bạn tốt nghiệp thì nhận vào làm chính thức. Có bạn nay đã làm đến trưởng bộ phận kinh doanh.
Trong một số giai đoạn, công ty tuyển dụng mà yêu cầu 100% nhân sự chuyên nghiệp, có kinh nghiệm là nhân viên kinh doanh, bán hàng là hơi bất khả thi. Chúng tôi mở cơ hội cho chính doanh nghiệp tuyển được người và cơ hội cho lao động trẻ được thử sức”, anh An nói.
Cơ hội việc làm cho người trẻ
Anh Nguyễn Hùng Dũng hiện là trưởng bộ phận kinh doanh một công ty chuyên về sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ trầm.
Anh Dũng bắt đầu công việc tại công ty với vị trí nhân viên part-time. Khi đó, anh đang là nhân viên của một công ty chuyên kinh doanh đá mỹ nghệ.
“Tôi làm được nửa năm và doanh số bán hàng luôn trong top đầu, giám đốc gặp trực tiếp và đề nghị tôi dừng công việc ở công ty cũ, chính thức làm nhân viên full-time. Tôi cân nhắc và quyết định sang công ty hiện tại làm từ tháng 12.2023. Từ vị trí nhân viên bán hàng, nay tôi đã là trưởng nhóm kinh doanh 6 tỉnh Đồng bằng sông Hồng”, anh Dũng cho hay.
Nhiều nhà hàng sử dụng lao động part-time chiếm khoảng 20%. Ảnh: Quỳnh Chi
Không chỉ với những lao động có kinh nghiệm, việc làm part-time thực sự là cơ hội việc làm quý giá cho nhiều sinh viên, lao động trẻ. Các nhóm việc như bán hàng thời trang, mỹ phẩm, phục vụ nhà hàng, nhân viên nhà sách… đã giúp nhiều sinh viên có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống hiện tại và tích lũy kinh nghiệm cho tương lai.
“Năm thứ 3, tôi xin làm nhân viên part-time cho một nhà sách tại đường Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội). Tốt nghiệp, tôi gửi hồ sơ và được nhận vào làm nhân viên chính thức. Hiện tôi là phó bộ phận kiểm kê, lương hơn 13 triệu đồng/tháng.
Công việc từ thời sinh viên với thu nhập khoảng 2,7 triệu đồng/tháng đã giúp tôi vững vàng, cứng cáp hơn; có chi phí để trang trải cuộc sống xa nhà và đỡ đần cha mẹ”, chị Trần Thị Huyền Trang, cựu sinh viên Học viện Hành chính quốc gia, chia sẻ.
https://laodong.vn/cong-doan/nhan-su-part-time-co-hoi-cho-doanh-nghiep-va-lao-dong-1495856.ldo