Rõ tiêu chí, mạnh dạn vay và cho vay tín dụng xanh
Tín dụng xanh là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững nhưng cần tiêu chí rõ ràng để ngân hàng và doanh nghiệp mạnh dạn vay và cho vay hiệu quả.
Rõ tiêu chí, mạnh dạn vay và cho vay tín dụng xanh. Ảnh: Hải Nguyễn
Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - khẳng định: “Tài chính xanh, trong đó có tín dụng xanh, không phải là một vấn đề mới nhưng ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các quốc gia trên thế giới cũng như của Việt Nam nhất là trong bối cảnh hiện nay cần đẩy mạnh huy động nguồn lực thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu”.
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển tín dụng xanh
Tín dụng xanh và thực thi ESG là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững, là một trong những nguồn lực quan trọng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia, là giải pháp giúp các TCTD định hướng lại hoạt động kinh doanh theo hướng bền vững, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, qua đó khẳng định vị thế, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng cơ hội hợp tác, kinh doanh; đồng thời, đối với doanh nghiệp, tín dụng xanh là nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao, cải tiến công nghệ, chuyển đổi sản xuất xanh.
Ông Đào Minh Tú nhận định, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi, cơ hội để phát triển, nhờ có các định hướng, quy định rõ ràng.
Thứ nhất, Luật Bảo vệ môi trường (2020) và các văn bản hướng dẫn Luật đã quy định về tín dụng xanh, lộ trình phát triển tín dụng xanh, các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển tín dụng xanh, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng.
Thứ hai, tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh qua các giai đoạn, các Nghị quyết gần đây của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội cho thấy, quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện “chuyển đổi xanh - chuyển đổi số”, phát triển nhanh và bền vững để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế 2 con số giai đoạn 2026-2030. Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều đặt nhiệm vụ, yêu cầu cho ngành ngân hàng phải thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh;
Thứ ba, trên cơ sở các khung chính sách này, thời gian qua, ngành ngân hàng đã vào cuộc quyết liệt, chủ động, triển khai các giải pháp thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh và đã đạt nhiều kết quả tích cực về nhận thức, số lượng các TCTD tham gia tài trợ vốn cho các lĩnh vực xanh, quy mô và tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh: Từ chỗ chỉ có 15 TCTD tham gia năm 2017, đến nay đã có 50 đơn vị phát sinh dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017-2024 đạt trên 22%/năm, năm sau cao hơn năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung cho nền kinh tế. Những con số này rất đáng khích lệ, tuy nhiên tỉ lệ tín dụng xanh trên tổng dư nợ tín dụng mới chiếm khoảng 4,6%, cho thấy tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc đẩy nhanh, tận dụng dư địa đó.
Nhìn nhận trong thực tiễn, các ngân hàng và doanh nghiệp đều gặp không ít khó khăn như: Chưa có Danh mục phân loại xanh quốc gia, quy định chung về ESG để các Doanh nghiệp thực hành, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ngày càng khắt khe; Công cụ thẩm định rủi ro còn hạn chế, thời gian hoàn vốn dài, hiệu quả tài chính chưa rõ ràng; Yêu cầu cao hơn về quản trị, chất lượng nguồn nhân lực ngân hàng trong lĩnh vực môi trường, xã hội, khí hậu để nhận diện, thẩm định quản lý, giám sát khoản cấp tín dụng cũng như tư vấn, hỗ trợ khách hàng đáp ứng các tiêu chí mới của quốc tế về phát thải.
Đây là một trong những thử thách với Việt Nam khi chính sách này được đặt ra đối với tất cả quốc gia. Những “nút thắt” đó đòi hỏi một cách tiếp cận mới - toàn diện hơn, linh hoạt hơn và đồng bộ hơn giữa chính sách - thị trường - hành lang pháp lý.
Trên tinh thần đó, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước lắng nghe đại diện cho các cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, Hiệp hội, các TCTD tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề sau:
Vai trò, đóng góp của tín dụng xanh trong chiến lược phát triển tài chính bền vững và thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực triển khai chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Bởi lẽ câu chuyện nguồn vốn tín dụng xanh là vấn đề rất lớn, nhu cầu của các doanh nghiệp, dự án, chương trình xanh hóa phải là đầu tư nguồn vốn dài hạn. Một số ngân hàng thương mại hiện vẫn là nguồn vốn ngắn hạn thì việc đóng góp cho các dự án, doanh nghiệp cần đầu tư, đặc biệt là vấn đề liên quan tới bảo vệ môi trường, giảm phát thải carbon hay thực hiện Net Zero vào năm 2050.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh đã nhanh, trên 22%/năm so với 15%/năm năm trước đó. Ngành Ngân hàng đã xây dựng Thông tư, cùng một số quyết định cụ thể, chủ động để nhìn nhận dưới góc độ ngân hàng, các tổ chức tín dụng quốc tế, Ngân hàng Thế giới ADB, sự hỗ trợ từ các nước trong khu vực. Tuy nhiên, cách thức để xác định nhanh một số đối tượng, một số danh mục để ngân hàng cho vay vốn tín dụng xanh thì cần có hành lang pháp lý sơ bộ để tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tập trung cho vay.
Đánh giá về thực trạng, vướng mắc trong triển khai tín dụng xanh tại Việt Nam thời gian qua. Dưới góc độ các ngân hàng thương mại hơn ai hết có thể đánh giá được những khó khăn hiện nay về cơ sở pháp lý, hướng dẫn, quy trình cũng như cách thức tổ chức triển khai để đưa vốn mạnh dạn hơn. Bản thân các ngân hàng cũng cần nhận ra những vướng mắc nhìn ở phía các doanh nghiệp, để nghiên cứu các tiêu chí để các tổ chức doanh nghiệp, dự án thuộc đối tượng danh mục xanh. Để cả 2 bên cùng mạnh dạn vay và cho vay, không thể chần chừ.
Kinh nghiệm quốc tế và các giải pháp để TCTD đẩy mạnh hoạt động tín dụng xanh, cũng như giải pháp để Doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận tín dụng xanh được thuận lợi hơn.
Tính cấp thiết trong tiêu chí đánh giá cụ thể
Lấy ví dụ về 1 triệu ha lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định: "Việt Nam là quốc gia đầu tiên có chính sách, đề án cụ thể và tạo ra bước tiến quan trọng trong Chủ trương Phát triển bền vững, tạo ra cây lúa chất lượng cao và giảm thiểu sử dụng hóa chất. Điều này đã và đang được triển khai tích cực".
Đây là ví dụ điển hình cho tín dụng xanh, điển hình cho câu chuyện nếu các dự án có sự đồng bộ về cơ sở pháp lý, triển khai thực hiện, nhận thức từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức kinh tế tín dụng xanh, người nông dân thì hiệu quả sẽ thấy rõ - ông Tú nói thêm.
Đây là câu chuyện môi trường gắn với kinh tế xanh, trong đó có tài chính xanh, ngân hàng xanh, tín dụng xanh. Nhìn về góc độ vĩ mô, ông Đào Minh Tú cho biết: "Chúng ta đã có hành lang pháp lý sơ bộ nhưng nhìn vào từng dự án cụ thể chúng ta chưa có tiêu chí đánh giá rõ ràng. Đây là việc cấp thiết ngay lúc này".
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, Hội thảo "Khơi thông tín dụng xanh" là cơ hội được lắng nghe các ý kiến, trao đổi của các chuyên gia, đại diện các cơ quan quản lý, nghiên cứu chính sách, doanh nghiệp để có những góc nhìn khác nhau xoay quanh việc triển khai hoạt động tín dụng xanh của ngành ngân hàng, việc áp dụng các cơ chế, chính sách vào thực tiễn.
Đây sẽ là những đóng góp, gợi mở cho cơ quan quản lý trong việc hoạch định cơ chế chính sách, cũng như việc triển khai hoạt động tín dụng xanh trong thực tế của các TCTD, tạo động lực khơi thông dòng vốn tín dụng ngành ngân hàng cho các mục tiêu xanh, phát triển bền vững.
https://laodong.vn/kinh-doanh/ro-tieu-chi-manh-dan-vay-va-cho-vay-tin-dung-xanh-1497121.ldo
THANH BÌNH (BÁO LAO ĐỘNG)