Anh Nguyễn Văn Toản hiện làm công nhân cắt vải, còn vợ là công nhân may tại cùng một nhà máy. Anh Toản có 2 người con, chi phí sinh hoạt cả gia đình khoảng 5 triệu đồng/tháng, học tập cho các con 5 triệu đồng/tháng.
“Tôi và vợ đã thống nhất với nhau, tháng nào cũng phải gửi tiết kiệm ít nhất 5 triệu đồng, không được thấp hơn con số này. Chúng tôi chọn tiết kiệm trả góp của ngân hàng để bảo vệ và gia tăng tài sản trong tương lai” - anh Toản nói.
Vợ chồng anh Toản quyết định trích mỗi tháng 5 triệu đồng gửi tiết kiệm. Ảnh: NVCC.
Nam công nhân chia sẻ, nếu dư hơn 5 triệu đồng, anh sẽ mua thêm vàng để tích lũy.
Khi giá vàng lên cao như hiện nay, anh Toản cho hay, rất khó mua được nửa chỉ vàng như trước. Dù vậy, anh vẫn chi tiền mua vàng bởi đây là kế hoạch tiết kiệm lâu dài chứ không phải đầu tư lướt sóng.
Nói về các mục tiêu trong tương lai, anh Toản cho biết, dự kiến 2 năm nữa sẽ xây thêm 3 gian phòng để tiện cho mẹ già và các con ở, tránh chật chội. Sau khi xây xong nhà, vợ chồng anh Toản sẽ tính chuyện tiết kiệm cho các con lập nghiệp, lập gia đình hoặc bước vào đại học sau này.
Vợ chồng anh Trần Ngọc Nguyên (30 tuổi) - công nhân may mặc - cũng đã lên kế hoạch tiết kiệm cho hai con ngay từ bây giờ khi người con lớn mới 6 tuổi, người con út 3 tuổi.
Anh Nguyên - công nhân may mặc - coi việc tham gia đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để sau này có lương hưu là cách tiết kiệm hiệu quả cho tương lai. Ảnh: Minh Hương
“Tôi và vợ đã thống nhất tiết kiệm mỗi tháng 2 triệu đồng để chuẩn bị cho các con sau này bước vào đại học hoặc lập gia đình, có vốn làm ăn. Dù đã có bảo hiểm y tế nhưng chúng tôi vẫn mua bảo hiểm thân thể cho các con để an tâm hơn nếu phải đi viện hoặc không may xảy ra sự cố” - anh Nguyên cho hay.
Nam công nhân chia sẻ, bảo hiểm thân thể dành cho các con ở trường có chi phí chỉ hơn 100.000 đồng/năm nhưng được bảo vệ khá thiết thực. Có cả bảo hiểm y tế và bảo hiểm thân thể hỗ trợ, vợ chồng nam công nhân yên tâm hơn hẳn.
Trao đổi về các kênh đầu tư, anh Nguyên tự nhận bản thân không có nhiều kiến thức về vàng, chứng khoán… nên không tham gia.
Số tiền dôi dư hàng tháng, anh Nguyên chủ yếu gửi tiết kiệm. Sau này có nhiều vốn, nam công nhân dự định sẽ mua đất giá vừa phải để đầu tư hoặc để lại cho các con.
Trao đổi về tương lai dài hạn, anh Nguyên tham gia bảo hiểm xã hội được gần 10 năm, coi đây là cuốn sổ hưu khi về già, không phiền muộn con cái nhiều.
“Chẳng biết sau này có đi làm công ty nữa không nhưng trước mắt tôi sẽ cố gắng đóng đủ số năm bảo hiểm xã hội, không rút một lần để về già có lương hưu. Tôi coi đây là cách tiết kiệm hiệu quả cho tương lai ” - anh Nguyên nói.
https://laodong.vn/cong-doan/cong-nhan-len-ke-hoach-tiet-kiem-cho-tuong-lai-tu-som-1494966.ldo