Người lao động Đồng Tháp xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ảnh: Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp cung cấp
Từ lao động nông thôn đến việc làm phổ thông
Điểm sáng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Đồng Tháp là chú trọng định hướng, đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tiễn. Các chương trình được thiết kế linh hoạt, đặc biệt tập trung huấn luyện kỹ thuật trồng trọt cho nông dân, giúp tiếp cận phương pháp canh tác hiện đại, hướng tới thoát nghèo bền vững.
Chẳng hạn, gia đình anh Lâm Hồng Châu (TP Sa Đéc, Đồng Tháp) từng sống trong ngôi nhà cây tạm bợ, thuộc diện hộ nghèo. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của địa phương để trồng cỏ nhung, gia đình anh đã có được mái ấm khang trang. Anh cho biết, giá cỏ nhung dao động từ 14.000 - 18.000 đồng/m2, sau khi trừ chi phí, mỗi đợt thu hoạch mang lại lợi nhuận hơn chục triệu đồng.
“Có cuộc sống ổn định, bây giờ tôi đang hướng dẫn lại cho bà con học làm theo, định hướng nhân rộng thêm diện tích trồng trong thời gian tới” - anh Châu nói.
Còn nông dân Lê Duy Minh (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) sau khi vay vốn đầu tư trồng hoa kiểng cũng ổn định kinh tế, cất lại nhà khang trang. Anh Minh còn chủ động mang trả sổ hộ nghèo, nhường sự hỗ trợ cho những gia đình khác.
Được biết, theo Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2025, tỉnh Đồng Tháp tập trung đào tạo nghề nông nghiệp lao động nông thôn là 3.317 lao động; đào tạo nghề Giám đốc hợp tác xã là 40 lao động. Cũng trong những năm gần đây, trước thay đổi của thị trường, sự trở về của một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về giải quyết việc làm ở Đồng Tháp. Nắm bắt cơ hội nguồn lực, Trung tâm Dịch vụ việc làm (nay Trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp) đã chủ động tăng cường tạo cầu nối cho nhiều người lao động tìm được việc làm ở công ty, doanh nghiệp với thu nhập ổn định.
Tại Công ty TNHH Đại Phát Garments (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười), nhờ sự hỗ trợ của đơn vị, chị Lê Thị Thảo Nhi (24 tuổi, trở về từ TP Hồ Chí Minh) sớm được nhận vào làm việc ở khâu đóng gói. Mức lương trên dưới 10 triệu đồng/tháng (tùy vào năng suất làm việc) cùng với nhiều mức hỗ trợ xăng xe, tiền nhà trọ... chị Nhi như quẳng gánh lo tiền nông.
“Không khí trong lành, tôi có nhiều thời gian được gần gũi gia đình. Tất cả sẽ mang lại sự ấm áp, xoa dịu mọi căng thẳng sau ngày làm việc mệt nhọc” - chị Nhi tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Kim Hân - Giám đốc điều hành, Công ty TNHH Đại Phát Garments - đánh giá cao công tác kết nối của Trung tâm Dịch vụ việc làm. Song song đó, đơn vị còn thăm hỏi, động viên để người lao động có thêm động lực làm việc với năng suất cao.
Tiếp tục đẩy mạnh đưa lao động đi nước ngoài
Điểm nổi bật trong hệ sinh thái phát triển nguồn nhân lực của Đồng Tháp là khuyến khích người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đây được xem là giải pháp hiệu quả cho bài toán việc làm chất lượng, giúp người lao động tích lũy kinh nghiệm, nâng cao tay nghề và tạo nguồn vốn khởi nghiệp.
“Là tỉnh không nhiều tài nguyên thiên nhiên nên Đồng Tháp xác định phát huy nguồn nhân lực làm khâu đột phá cho sự phát triển, trong đó có nội dung đưa lao động ra nước ngoài làm việc” - ông Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp - chia sẻ.
Sau nhiều năm, hàng chục câu chuyện người lao động tỉnh trở về nước đã trở thành nhân vật điển hình cho phương châm “đi làm thuê - về làm chủ” của Đồng Tháp. Trong đó, có người khởi nghiệp với cơ sở sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Cũng sau mỗi chuyến đi, lãnh đạo Đồng Tháp đã trực tiếp truyền đạt “người thật - việc thật” đến ban ngành, địa phương, cơ quan truyền thông. Qua đó củng cố niềm tin trong dân và dẫn đường loạt công ty Nhật Bản, Hàn Quốc sang Đồng Tháp tìm đối tác tin cậy.
Theo Kế hoạch năm 2025, Đồng Tháp đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho ít nhất 30.000 lao động, trong đó phấn đấu đưa tối thiểu 2.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
https://laodong.vn/cong-doan/dong-thap-mo-loi-thoat-ngheo-bang-dao-tao-va-viec-lam-ben-vung-1490189.ldo