Một trong những nội dung kỳ họp thứ 11, khoá XIII của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN là bàn về 3 nhóm vấn đề dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn 2024. Ảnh: Đền Phú
Tới dự có đại diện các ban xây dựng Đảng Trung ương.
Theo chương trình, tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch cho ý kiến vào 6 nội dung, gồm: Tờ trình, Báo cáo kết quả thực hiện quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn năm 2024, trọng tâm phối hợp năm 2025; kiến nghị, đề xuất; Báo cáo một số nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn 2024; Tờ trình Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 06b/NQ-TLĐ ngày 3.8.2015 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XI và 05 năm thực hiện Kết luận số 01/KL-BCH ngày 15.3.2021 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XII về nâng cao hiệu quả hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn; Tờ trình Kế hoạch tổ chức đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031; Tờ trình về nội dung định hướng sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam; Báo cáo kết quả xếp loại công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở năm 2024.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh về Báo cáo kết quả thực hiện quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn năm 2024, trọng tâm phối hợp năm 2025. Theo đó, ngay sau hội nghị của hai cơ quan, trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã ban hành văn bản phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Ủy viên Thường trực Đoàn Chủ tịch và các ban chuyên đề để tham mưu Thường trực Đoàn Chủ tịch tổ chức triển khai thực hiện.
Từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn ở ngành, địa phương, đơn vị, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang đề nghị các Ủy viên Đoàn Chủ tịch cho ý kiến vào Dự thảo báo cáo, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, các nội dung trọng tâm phối hợp năm 2025, các đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - khai mạc hội nghị. Ảnh: Đền Phú
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn 2024, căn cứ các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trung ương, để chủ động chuẩn bị nội dung trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, trong đó có dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên nhằm đảm bảo phù hợp, đồng bộ, thống nhất với định hướng sửa đổi Hiến pháp năm 2013, đề án tổ chức đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp cũng như định hướng sắp xếp, tổ chức lại tổ chức chính trị - xã hội vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Đoàn Chủ tịch đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; đã chỉ đạo tiến hành rà soát, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung.
Theo đó, dự kiến sửa đổi, bổ sung 10 điều, tập trung vào 3 nhóm vấn đề gồm: Sửa đổi quy định liên quan đến đối tượng “cán bộ, công chức, viên chức” nhằm bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức công đoàn trong sắp xếp bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW; sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam, thẩm quyền của các cấp công đoàn; sửa đổi các quy định về tài chính, tài sản công đoàn phù hợp với mô hình tổ chức công đoàn sau sắp xếp, tinh gọn.
Về Kế hoạch tổ chức đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2026-2031 và định hướng sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang cho biết, dự kiến sau sắp xếp, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, sẽ tổ chức Đại hội Công đoàn nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Để kịp thời chuẩn bị cho đại hội, Thường trực Đoàn Chủ tịch đã chỉ đạo xây dựng Kế hoạch, đồng thời nghiên cứu định hướng sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam (khóa XIII) đảm bảo phù hợp với mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ sau thực hiện sắp xếp.
https://laodong.vn/cong-doan/se-ban-ve-3-nhom-van-de-trong-sua-doi-bo-sung-luat-cong-doan-2024-1491183.ldo