Bà Viên phải chật vật mưu sinh để có tiền mua bảo hiểm y tế hàng năm và chi trả cho phí sinh hoạt.
Công việc hàng ngày của bà Viên chủ yếu là bán tạp hóa nhỏ lẻ, trồng rau để ăn và bán, ai thuê gì làm nấy. Thu nhập của bà Viên chưa bao giờ vượt quá 2 triệu đồng/tháng, thậm chí có những tháng chỉ được hơn 1 triệu đồng.
Nửa năm nay, khi không may mắc bệnh tai biến, sức khỏe yếu hẳn khiến bà Viên chẳng thể làm được nhiều việc như trước. Thu nhập do đó cũng giảm mạnh chỉ được hơn 500.000 đồng/tháng, chi phí hàng ngày đều dựa vào con cái.
Không có lương hưu hàng tháng, bà Viên hái rau ăn và bán để có thu nhập. Ảnh: Mạnh Cường
Mỗi năm họp tại khu vực, bà Viên đều cố gắng thuyết phục mọi người bình bầu được công nhận là hộ cận nghèo. Theo bà Viên, nếu không thuộc đối tượng này, nhiều dịch vụ công trong đó có bảo hiểm y tế rất đắt đỏ.
“Những năm trước, chưa phải hộ cận nghèo, mỗi năm tôi phải bỏ ra gần 1,3 triệu đồng mới mua được bảo hiểm y tế. Đây là số tiền khá lớn với tôi” - bà Viên cho hay.
Theo bà Viên, năm nay, bà được công nhận hộ cận nghèo nhưng không chắc sau này cũng được. Nếu không còn là hộ cận nghèo, bà Viên phải mua bảo hiểm y tế với giá cao, càng phiền muộn con cái.
Bà Viên cho rằng, mục tiêu tiến tới miễn viện phí là rất ý nghĩa, cần phải thực hiện sớm và ưu tiên người già, người nghèo.
“Về già nhiều bệnh tật, nếu có ốm đau vào viện sẽ rất tốn kém. Tôi hi vọng Nhà nước quan tâm miễn chi phí mua bảo hiểm y tế cho người dân, đặc biệt là người không có lương hưu, bởi lúc này chúng tôi không còn lao động để làm ra tiền. Nếu được hỗ trợ thì một đồng cũng quý” - bà Viên chia sẻ.
Bà Hoàng Thị Hồng (75 tuổi, Nam Định) cho biết, dù hiện tại đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí nhưng đi viện vẫn khá tốn kém.
“Tháng nào tôi cũng phải lên bệnh viện tỉnh để thăm khám, lấy thuốc điều trị bệnh cao huyết áp, tim mạch. Ngoài thuốc nằm trong danh mục được bảo hiểm hỗ trợ, tôi vẫn phải mua thêm thuốc ngoài gần 500.000 đồng” - bà Hồng nói.
Bà Hồng đi thu mua ve chai mỗi ngày để mưu sinh. Ảnh: Mạnh Cường.
Vợ chồng đều đang làm việc tự do, không có lương hưu hay bất kỳ trợ cấp nào. Tháng 7 này dự kiến có thêm 500.000 đồng trợ cấp hưu trí xã hội, bà Hồng chia sẻ sẽ dùng để mua thuốc.
Thu nhập 1 tháng từ công việc nuôi gà, chó con, thu mua ve chai của hai vợ chồng bà Hồng dao động từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng. Với số tiền ít ỏi này, bà Hồng phải cân đối chi tiêu hàng ngày, rất khó có dư để khám, mua thuốc khi cần.
Khi nghe về thông tin tiến tới được miễn viện phí, bà Hồng không giấu nổi niềm vui. “Mỗi lần vào viện, tôi lo bệnh tật ít, lo các con phải tốn tiền bạc, thời gian chăm sóc thì nhiều. Nếu miễn viện phí dù ở cấp tỉnh, cũng khiến chúng tôi vô cùng cảm kích và an tâm tuổi già” - bà Hồng bày tỏ.
Tại buổi gặp mặt các cán bộ công an từng chi viện cho chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định sẽ chú trọng phát triển y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân, hướng tới mục tiêu miễn viện phí cho toàn dân.
Trước đó, tại buổi họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng ngày 15.3, Tổng Bí thư đặt vấn đề: "Có thể phấn đấu đến năm 2030 miễn viện phí cho nhân dân được hay không?". Và ông đề nghị nếu có thể, các cơ quan hãy bổ sung ngay mục tiêu này vào dự thảo báo cáo chính trị đại hội.
https://laodong.vn/cong-doan/nguoi-gia-khong-luong-huu-trong-cho-duoc-mien-tien-vien-phi-1490970.ldo