Nữ công nhân Vũ Thị Linh (quê Phú Thọ) khi còn thuê trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Quế Chi
Chị Vũ Thị Linh (quê Phú Thọ) cùng chồng đã có 8 năm đi làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Dù có quãng thời gian làm việc rất lâu như vậy, nhưng ngay từ đầu nữ công nhân này đã không có ý định mua nhà ở Hà Nội.
“Vợ chồng tôi xác định quãng thời gian xa nhà làm công nhân chỉ là để kiếm tiền, có vốn để sau này làm ăn. Chúng tôi không định làm ở Hà Nội lâu dài” - chị Vũ Thị Linh nói.
Một lý do nữa là thu nhập của vợ chồng không cao, nếu đi làm nhiều năm nữa cũng không đủ để mua nhà tại Hà Nội, ngay cả nhà ở xã hội. “Ngay cả khi quyết tâm mua thì vợ chồng tôi cũng phải vay mượn rất nhiều, trở thành một gánh nặng lâu dài. Hơn nữa, không phải ai cũng dễ dàng mua được nhà ở xã hội” - nữ công nhân chia sẻ.
Cách đây 2 năm, vợ chồng chị quyết định nghỉ việc tại Hà Nội để về quê. Ở quê, chị xin vào làm công nhân tại khu công nghiệp. Dù phải đi làm xa hơn, nhưng chị được sống cạnh gia đình, không phải xa con nhỏ. Gia đình nhỏ của chị sống cùng nhà với bố mẹ chồng.
Nhờ số tiền tích lũy sau nhiều năm đi làm xa cộng thêm khoản vay, vợ chồng chị xây dựng lại căn nhà mới trên mảnh đất hiện có. Theo chị Linh, chị hài lòng với lựa chọn của mình. Ngoài ra, chị muốn được sống ở quê, không muốn “bon chen” tại Hà Nội.
Anh Nguyễn Văn Hòa (công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng không có ý định mua nhà tại Hà Nội.
Vợ chồng anh cùng con nhỏ đang thuê trọ trong một căn phòng chỉ khoảng 20m2, với giá thuê 1,2 triệu đồng/tháng. Tính cả tiền điện, nước, một tháng vợ chồng anh phải trả khoảng 1,5-1,6 triệu đồng. Có con nhỏ, cuộc sống trong căn phòng chật chội rất bất tiện, nhưng với thu nhập còn hạn hẹp, anh không thể chuyển sang nơi trọ mới có giá thuê cao hơn. “Mua nhà thì lại càng xa vời” - anh Hòa cho biết.
Vợ chồng anh Hòa làm cùng công ty, tổng thu nhập của cả 2 hiện nay được khoảng 20 triệu đồng/tháng. Đây là số tiền có được khi công ty tổ chức làm thêm. Nếu công ty ít việc, con số này giảm còn 15 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ để vợ chồng anh trang trải nuôi con, trang trải sinh hoạt trong gia đình, chi phí thuê nhà…
“Tôi không dám nghĩ đến việc mua nhà ở Hà Nội với mức thu nhập hiện nay trong khi giá nhà đang tăng cao” - anh Hòa nói. Anh dự định chỉ làm công nhân tại Hà Nội một vài năm, khi có một khoản tiền sẽ về quê xây nhà trên mảnh đất (được bố mẹ cho) để ổn định cuộc sống. Về quê, vợ chồng anh sẽ tiếp tục đi làm công nhân, hoặc kinh doanh, buôn bán nhỏ để mưu sinh.
"Ngay từ khi bước chân lên Hà Nội để kiếm sống, tôi đã không có ý định mua nhà. Tôi chỉ coi quãng thời gian xa nhà là để mưu sinh, kiếm tiền, rồi sau đó sẽ về quê để ổn định cuộc sống" - anh Hòa cho biết.
Một khu nhà trọ của công nhân tại thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Quế Chi
Khảo sát của phóng viên Báo Lao Động tại các khu nhà trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội cho thấy, ngày càng nhiều công nhân lựa chọn phương án làm ở Hà Nội, dành dụm để sau này xây nhà ở quê.
Giá nhà ở Hà Nội tăng cao khiến ước mơ có nhà của họ ngày càng xa vời, trong khi đó, ở quê, chỉ cần vài trăm triệu đồng, nhiều gia đình công nhân đã có thể sở hữu ngôi nhà khang trang trên đất có sẵn của gia đình. Sự lựa chọn này không chỉ là do yếu tố tài chính mà còn phản ánh nhu cầu được sống gần gũi với người thân, tránh áp lực đô thị của nhiều công nhân.
https://laodong.vn/cong-doan/tong-thu-nhap-20-trieu-dongthang-vo-chong-cong-nhan-danh-dum-xay-nha-o-que-1489034.ldo