Việt Nam công bố báo cáo hộ tịch đầu tiên, thúc đẩy phát triển dữ liệu vì con người
Ngày 25.4, Việt Nam chính thức công bố Báo cáo quốc gia đầu tiên về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021 – 2024.
Hội thảo công bố Báo cáo quốc gia đầu tiên về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021 – 2024. Ảnh: Phương Anh
Lần đầu tiên Việt Nam công bố Báo cáo quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch, đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình xây dựng hệ thống dữ liệu toàn diện và minh bạch, lấy con người làm trung tâm.
Báo cáo do Cục Thống kê xây dựng trên cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Tổ chức Y tế công cộng toàn cầu, trong khuôn khổ “Sáng kiến dữ liệu cho sức khỏe” của Quỹ Bloomberg Philanthropies. Nội dung báo cáo phản ánh tình hình đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn và các vấn đề dân số nổi bật, hướng tới mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tại lễ công bố, đại diện các bộ ngành, cơ quan Liên Hợp Quốc và đối tác phát triển đã khẳng định tầm quan trọng của dữ liệu chính xác trong hoạch định chính sách.
Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu. Ảnh: Phương Anh
Ông Matt Jackson - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh: “Thống kê không chỉ là những con số, đó thực sự là những con số biết nói. Ẩn sau những con số đó là câu chuyện về cuộc sống và con người. Khi được thu thập chính xác, dữ liệu giúp chúng ta hiểu được chính sách nào đang phát huy hiệu quả, ai còn đang bị bỏ sót, và chúng ta cần làm gì để xây dựng một hệ thống dữ liệu bao trùm hơn cho tất cả mọi người. UNFPA sẽ tiếp tục nỗ lực để đảm bảo rằng mỗi người đều được ghi nhận và mọi cuộc sống đều quan trọng”.
Theo báo cáo, tỷ lệ đăng ký khai sinh đúng hạn tại Việt Nam tăng đều, đạt 84,9% vào năm 2024. Tuy nhiên, đăng ký muộn vẫn phổ biến trong các nhóm dân tộc thiểu số lên tới 56%. Đăng ký khai tử đúng hạn cũng đạt 69,3%, nhưng có địa phương dân tộc thiểu số ghi nhận tỷ lệ khai tử muộn gần 80%.
Bên cạnh đó, báo cáo ghi nhận tổng tỷ suất sinh đã giảm, thấp hơn mức thay thế 2,1 con/phụ nữ. Mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn kéo dài, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang. Tuổi trung bình sinh con của phụ nữ tăng dần, trong đó phụ nữ dân tộc Kinh và Hoa sinh con muộn hơn nhiều so với các dân tộc khác.
Về tử vong, tuổi chết trung bình là 69,5 tuổi, nam giới 64,6 tuổi và nữ giới 75,6 tuổi. Gần 77% trường hợp tử vong do tai nạn giao thông và tự tử là nam giới.
Bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Thống kê cho biết: “Lần đầu tiên, chúng ta có thể sử dụng dữ liệu hộ tịch hoàn chỉnh và cập nhật để thực hiện phân tích thống kê sinh, tử và kết hôn trên phạm vi cả nước. Đây là một dấu mốc rất quan trọng. Kết quả cũng cho thấy vẫn còn sự chênh lệch giữa các nhóm dân tộc và vùng miền trong công tác đăng ký hộ tịch. Tuy vậy, các kết quả phân tích cũng đồng thời khẳng định rằng đầu tư của chính phủ vào chuyển đổi số trong hệ thống đăng ký hộ tịch đang mang lại hiệu quả.”
Trong thời gian tới, báo cáo đề xuất tiếp tục đầu tư công nghệ, tập huấn cán bộ và mở rộng tiếp cận tới nhóm yếu thế, đồng thời tích hợp dữ liệu hộ tịch với hệ thống dân số, y tế, giáo dục nhằm phục vụ phát triển bền vững.
https://laodong.vn/xa-hoi/viet-nam-cong-bo-bao-cao-ho-tich-dau-tien-thuc-day-phat-trien-du-lieu-vi-con-nguoi-1496973.ldo
phương anh (BÁO LAO ĐỘNG)