Giao cấp xã tuyển dụng công chức, đại biểu Quốc hội lo ngại về chất lượng
Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) dự kiến giao chính quyền cấp xã chịu trách nhiệm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, chiều 14.5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Các đại biểu tiếp tục có ý kiến xây dựng vào dự án luật.
Liên thông cán bộ, công chức cấp xã với tỉnh là đúng đắn
Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đã sửa đổi các quy định để liên thông cán bộ, công chức cấp xã với tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - ĐBQH tỉnh Hải Dương đánh giá, đây là một bước tiến cải cách đúng hướng, cần thiết và rất đáng ủng hộ.
Theo đại biểu, hiện cán bộ, công chức cấp xã đang nằm ngoài hệ thống công vụ chuyên nghiệp, trong khi họ là những người gần dân nhất, trực tiếp thực thi chính sách, xử lý thủ tục hành chính và giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Tuy nhiên, do chế độ không ổn định, không có lộ trình phát triển rõ ràng, ít cơ hội thăng tiến nên khó thu hút người giỏi về công tác tại cơ sở.
"Cơ chế liên thông sẽ tạo ra một chuỗi phát triển cán bộ từ cơ sở qua thực tiễn lên các vị trí cao hơn, thay vì chỉ chọn từ trên xuống", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu.
Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang lo ngại trước việc giao quyền tuyển dụng công chức cho cấp xã. Ảnh: Quochoi
Còn theo đại biểu Trần Văn Tuấn - ĐBQH tỉnh Bắc Giang, cán bộ, công chức, viên chức sau khi đã vào hệ thống công vụ chuyên nghiệp có thể dễ dàng chuyển từ địa phương này sang địa phương khác, cấp này sang cấp khác.
Chính vì vậy, yếu tố chất lượng đầu vào, đầu mối tuyển dụng có thể ảnh hưởng đến chất lượng chung của cả hệ thống.
"Dự án luật dự kiến giao quyền tuyển dụng công chức cho cấp xã, như vậy, liệu có bảo đảm được chất lượng đồng đều khi có hàng nghìn hội đồng tuyển dụng", đại biểu Trần Văn Tuấn nêu.
Đề xuất luật hóa phương thức làm việc từ xa
Đây là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - ĐBQH tỉnh Bến Tre trước Quốc hội.
Theo đại biểu, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều quốc gia đã và đang điều chỉnh hệ thống pháp luật để thích ứng với xu hướng làm việc linh hoạt, đặc biệt là hình thức làm việc từ xa, làm việc trực tuyến.
Đại biểu cho rằng, thời gian qua, đặc biệt trong và sau đại dịch COVID-19, nhiều cơ quan, đơn vị nhà nước đã áp dụng phương thức làm việc từ xa, trực tuyến.
Dù chưa được luật hóa, hình thức làm việc này đã chứng minh tính khả thi. Thậm chí, trong nhiều trường hợp còn giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu suất công việc, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cán bộ, công chức, nhất là ở các địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa, khoảng cách địa lý lớn sau khi sáp nhập đơn vị hành chính.
Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, việc triển khai hạ tầng thông tin đồng bộ phần mềm quản lý công việc, hệ thống văn bản điện tử, trực tuyến đã tạo nền tảng vững chắc để làm việc không phụ thuộc vào không gian, địa lý.
"Tuy nhiên, Luật Cán bộ, công chức hiện hành chưa có quy định chính thức về chế độ làm việc từ xa", đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre. Ảnh: Quochoi
Từ thực tế trên, đại biểu đề xuất Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) bổ sung các quy định sau:
Thứ nhất, chính thức hóa phương thức làm việc từ xa, trực tuyến như là một phương thức làm việc hợp pháp trong khu vực công, được áp dụng linh hoạt, phù hợp với vị trí việc làm, nhiệm vụ công tác và hạ tầng từng cơ quan, đơn vị.
Thứ hai, để làm việc từ xa hiệu quả phải có cơ chế đánh giá kết quả công việc thực sự khách quan, khoa học và dựa trên hiệu quả đầu ra. Luật cần định hướng xây dựng hệ thống đánh giá dựa trên kết quả hoàn thành nhiệm vụ gắn với tiến độ, chất lượng công việc, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức khi giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến.
Đánh giá sự chủ động trong việc phối hợp, tính sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ kể cả khi không làm việc trực tiếp tại trụ sở. Ứng dụng các công cụ số để đánh giá công việc mà không cần giám sát trực tiếp.
Thứ ba, cần phân cấp rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc quyết định cho phép làm việc từ xa, trực tuyến, bảo đảm nguyên tắc hiệu quả, kỷ luật và kiểm soát được chất lượng công việc.
Theo đại biểu, trong bối cảnh sắp xếp các đơn vị hành chính, tinh giản biên chế và nâng cao hiệu quả quản lý, việc làm việc từ xa giúp tiết kiệm thời gian đi lại, chi phí hành chính.
Đồng thời, việc này còn góp phần giữ chân được đội ngũ cán bộ có năng lực nhưng gặp khó khăn về điều kiện công tác tập trung.
"Chúng ta không thể giữ mãi cách làm việc cứng nhắc, máy móc, gắn chặt với thời gian, địa điểm mà bỏ qua hiệu quả thực chất", đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi trình bày.
https://laodong.vn/thoi-su/giao-cap-xa-tuyen-dung-cong-chuc-dai-bieu-quoc-hoi-lo-ngai-ve-chat-luong-1506759.ldo
Tô Thế (báo lao động)