8 giải pháp phòng chống tham nhũng của ngành y tế Hà Nội
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành kế hoạch 6539/KH-SYT về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2025.
8 nhiệm vụ và giải pháp ngành y tế đề ra
- Triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
- Triển khai thực hiện chương trình công tác của Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
- Kiến nghị, hoàn thiện, đồng bộ thể chế, pháp luật, kịp thời khắc phục những bất cập, sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.
- Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là các quy định về công khai minh bạch. Tiến hành thực hiện công tác kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
- Triển khai đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng theo Bộ Chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh.
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
- Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền.
Trách nhiệm người đứng đầu
Với nhiệm vụ thứ 7, Sở Y tế có giải pháp là rà soát, xem xét cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị; rà soát khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, lãnh đạo quản lý; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý trách nhiệm người đứng dầu ở cơ quan, đơn vị xảy ta tình trạng này, gây ảnh hưởng đến phát triển của toàn ngành và giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, các phòng thuộc Sở Y tế tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chấp hành, thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị, phải chịu trách nhiệm khi xảy ra tham nhũng, vi phạm tại cơ quan, đơn vị do mình quản lý.
Tăng cường kiểm tra, giám sát trong nội bộ cơ quan, đơn vị; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện chặt chẽ công tác phối hợp nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện đúng các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm, triệt để các hành vi, vụ việc tham nhũng.
Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Sở Y tế cũng yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tập trung giải quyết kịp thời các vụ việc tố cáo hành vi tham nhũng thuộc thẩm quyền, thông tin phản ánh tố cáo về tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị; đồng thời với việc kịp thời biểu dương, khen thưởng, bảo vệ người tố cáo, tố giác hành vi tham nhũng theo quy định.
https://laodong.vn/y-te/8-giai-phap-phong-chong-tham-nhung-cua-nganh-y-te-ha-noi-1446898.ldo
Thùy Linh (BÁO LAO ĐỘNG)