Thời sự
Cập nhật lúc 04:48 09/01/2025 (GMT+7)
“Chìa khóa” giúp khơi thông tư tưởng trong tinh giản biên chế

Ngoài việc động viên, thuyết phục tinh thần sẵn sàng tự nguyện thì những chính sách, ưu đãi nổi trội với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chính là “chìa khóa” giúp khơi thông tư tưởng trong việc thực hiện tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy đạt hiệu quả.

“Chìa khóa” giúp khơi thông tư tưởng trong tinh giản biên chế
Chính sách, ưu đãi nổi trội sẽ giúp khơi thông tư tưởng trong việc thực hiện tinh giản biên chế. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Nhiều cán bộ tình nguyện tinh giản

Để việc sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy diễn ra thuận lợi, nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có không ít người là cán bộ chủ chốt ở địa phương đã tình nguyện xin thôi công tác khi vẫn còn tuổi.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Thái Nguyên - là một trong những trường hợp như vậy. Trao đổi với Lao Động, bà Hương xác nhận bản thân đã xin nghỉ chế độ trước tuổi khoảng 30 tháng nhằm tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức tinh gọn bộ máy.

Bà Hương từng được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên từ ngày 15.3.2020, thời hạn 5 năm. Cũng tại Thái Nguyên, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên Phạm Thái Hanh cũng tự nguyện xin nghỉ chế độ trước tuổi hơn một năm để tạo thuận lợi cho sắp xếp tổ chức cán bộ.

Tại Quảng Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Vinh đã tự nguyện viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi dù vẫn còn tới 3 năm nữa mới hết tuổi công tác.

Bà Nguyễn Thị Vinh cho biết, khi có chủ trương của Trung ương về thực hiện sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị, bà nhận thức rất rõ về mục đích, ý nghĩa của “cuộc cách mạng” trong hệ thống, tổ chức bộ máy này. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải hiểu biết đầy đủ, sâu sắc, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ chung của Đảng, vì sự phát triển của quốc gia, dân tộc, quê hương, đất nước.

“Tư tưởng không thông, vác bình tông cũng nặng”

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng, mục tiêu chung của tinh gọn tổ chức bộ máy là vì lợi ích lâu dài của quốc gia. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, điều này có thể gây ra những khó khăn cho các cán bộ khi họ phải đối mặt với sự thay đổi trong công việc hoặc cuộc sống. Vì vậy, việc có chính sách hỗ trợ rõ ràng, cụ thể sẽ giúp giảm bớt tâm tư, lo lắng của họ, đồng thời tạo động lực để họ đón nhận sự thay đổi một cách tích cực hơn.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, các chính sách cần tập trung vào ba khía cạnh chính. Thứ nhất, hỗ trợ tài chính ban đầu để họ có “vốn liếng” duy trì cuộc sống, vượt qua giai đoạn chuyển đổi. Thứ hai, tổ chức các chương trình đào tạo lại, nâng cao kỹ năng hoặc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, giúp họ có thêm cơ hội tham gia vào các lĩnh vực mới. Thứ ba, đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội, như bảo hiểm, lương hưu, để họ không bị thiệt thòi trong quá trình tái cơ cấu.

Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, hiện nay, Chính phủ đã ban hành một số Nghị định liên quan tới giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, tinh giản biên chế do quá trình sắp xếp trong đó có những chính sách rất nổi trội. Điều quan trọng là phải tổ chức thực hiện cho tốt, cùng với việc động viên, khuyến khích cán bộ sẵn sàng hy sinh vì cái chung thì cũng cần phải đảm bảo quyền lợi cho họ.

Để giải quyết tốt bài toán nhân sự dôi dư, theo ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trước tiên cần tiến hành đánh giá lại đội ngũ công chức, viên chức về khả năng và năng lực đến đâu nhằm xem xét các giải pháp phù hợp.

Điều này giúp họ có thể tiếp cận và đáp ứng được thị trường lao động trong bối cảnh thị trường đang rất cần những lao động có chuyên môn, có kinh nghiệm, hiểu biết về pháp luật. Đặc biệt, cần quan tâm tổ chức tốt các sàn giao dịch việc làm, tăng cường công tác thông tin về thị trường lao động để cung cấp thông tin cho người lao động có cơ hội lựa chọn công việc phù hợp.

Người nghỉ hưu trước tuổi được hưởng chính sách rất lớn

Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ Nguyễn Quang Dũng cho biết, lần này, khi tinh gọn bộ máy, sẽ có một đợt tổng rà soát, đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống chính trị. Từ đó, xác định được mức độ hoàn thành công việc khác nhau của mỗi người.

Chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi được nêu rõ tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31.12.2024 của Chính phủ. Nghị định này kế thừa Nghị định 29/2023/NĐ-CP quy định tinh giản biên chế, song các mức trợ cấp tăng lên. “Những người còn 5 năm công tác thì được hưởng toàn bộ tiền lương của 60 tháng và chính sách nghỉ hưu trước tuổi. Tức là nghỉ hưu mà không bị trừ, được trợ cấp theo số năm được nghỉ sớm và trợ cấp 3 tháng. Chính sách này thực sự rất lớn” - ông Nguyễn Quang Dũng nhấn mạnh.

https://laodong.vn/thoi-su/chia-khoa-giup-khoi-thong-tu-tuong-trong-tinh-gian-bien-che-1447610.ldo

HƯƠNG NHA - VƯƠNG TRẦN (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: