Sửa luật MTTQ Việt Nam để phù hợp với định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy
Thời gian tới cần sửa đổi, bổ sung 18 điều của Luật MTTQ Việt Nam để phù hợp với định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày các nội dung tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam
Sáng 17.4, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ ba, khóa X.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, để bảo đảm phù hợp với định hướng sửa đổi bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan trực tiếp tới tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Trung ương và Đề án sắp xếp, tinh gọn cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ theo Kết luận số 126-KL/TW ngày 14.2.2025, Kết luận 127-KL/TW ngày 28.2.2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Thường trực đề xuất phạm vi sửa đổi Luật như sau:
Dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và một số quy định về tổ chức công đoàn trong cơ quan, đơn vị tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm phù hợp với nội dung sửa đổi bổ sung tại Điều 9, Điều 10, Điều 84 Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam sau khi được sắp xếp, tổ chức lại theo Đề án đã được Ban Chấp hành Trung ương phê duyệt.
Dự thảo luật được xây dựng theo kỹ thuật "một văn bản sửa nhiều văn bản", trong đó Điều 1 sửa đổi bổ sung các quy định của Luật MTTQ Việt Nam, Điều 2 sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn, Điều 3 sửa đổi bổ sung Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và Điều 4 sửa đổi, bổ sung Luật thanh niên.
Qua rà soát Luật MTTQ Việt Nam, để phù hợp với định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy MTTQ Việt Nam (sau khi được sắp xếp), trong thời gian tới cần sửa đổi, bổ sung 18 điều, trong đó tập trung vào 8 nhóm nội dung: Vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam; sửa đổi, bổ sung về quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam; sửa đổi bổ sung nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam; sửa đổi, bổ sung về tổ chức của MTTQ Việt Nam; sửa đổi bổ sung công tác Người Việt Nam ở nước ngoài vào Điều 10; sửa đổi, bổ sung quy định về cử bào chữa viên nhân dân tại Điều 18; việc hiệp thương lựa chọn giới thiệu người đủ tiêu chuẩn để Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu làm Hội thẩm nhân dân; sửa đổi bổ sung một số quy định trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội; sửa đổi, bổ sung quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo dự thảo văn bản được phản biện.
Về Luật Công đoàn, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Luật Công đoàn năm 2024 có 12 điều cần được sửa đổi, bổ sung, trong đó tập trung vào 3 nội dung chính:
Sửa đổi quy định liên quan đến đối tượng "cán bộ, công chức, viên chức" nhằm bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức công đoàn trong sắp xếp bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ-TW (tại 3 điều).
Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam, thẩm quyền của các cấp công đoàn (4 điều).
Sửa đổi các quy định về tài chính, tài sản công đoàn phù hợp với mô hình tổ chức công đoàn sau sắp xếp, tinh gọn (3 điều).
https://laodong.vn/thoi-su/sua-luat-mttq-viet-nam-de-phu-hop-voi-dinh-huong-sap-xep-to-chuc-bo-may-1492702.ldo
Bảo Hân (BÁO LAO ĐỘNG)