Sắp tăng lương theo cơ chế mới, không còn trích lập cứng
Từ 1.7.2025, chính sách cải cách tiền lương chính thức được triển khai. Cơ chế trích lập nguồn để tăng lương cũng thay đổi theo hướng linh hoạt hơn.
Từ 1.7.2025, thực hiện tăng lương theo cơ chế mới, không còn trích lập cứng. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.
Sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 17/2025/TT-BTC bãi bỏ toàn bộ 8 Thông tư cũ quy định về tạo nguồn cải cách tiền lương, việc bố trí ngân sách cho tăng lương từ năm 2025 đã bước sang một giai đoạn mới.
Theo đó, Thông tư 49/2024/TT-BTC – văn bản hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 – không còn duy trì cơ chế trích lập cứng như trước (tiết kiệm 10% chi thường xuyên, trích 50–70% tăng thu...), mà thay vào đó là xác định nguồn cải cách lương theo cách linh hoạt, phù hợp thực tế thu – chi của từng địa phương, bộ, ngành.
Nguồn thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2025 bao gồm:
Nguồn tiết kiệm chi thường xuyên trong phạm vi dự toán được giao.
Nguồn tăng thu ngân sách địa phương năm 2024 thực hiện vượt so với dự toán.
Nguồn cải cách tiền lương các năm trước chưa sử dụng hết chuyển sang.
Tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ (đối với ngành y tế là tối thiểu 35%).
Đặc biệt, từ ngày 1.7.2025, chính sách cải cách tiền lương sẽ chính thức được thực hiện theo lộ trình đã được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết 103/2023/QH15. Đây là bước triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, nhằm xây dựng hệ thống bảng lương mới, gắn với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.
Với cơ chế mới, các đơn vị không còn bị ràng buộc cứng vào tỷ lệ trích lập, mà được chủ động bố trí nguồn theo khả năng cân đối ngân sách thực tế, miễn là đảm bảo đủ điều kiện triển khai chính sách đúng hạn. Tuy nhiên, Thông tư 49 vẫn quy định việc đưa chi cải cách tiền lương vào dự toán ngân sách là yêu cầu bắt buộc, không được lơ là trong quá trình xây dựng kế hoạch tài chính năm 2025.
Thông tin từ Chính phủ mới đây, kiến nghị Quốc hội xem xét tăng lương trong năm 2026, cũng cho thấy cải cách tiền lương sẽ không dừng lại ở mốc 1.7.2025. Căn cứ tình hình kinh tế – xã hội năm 2025, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội xem xét việc tiếp tục tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công từ năm 2026, bảo đảm phù hợp với khả năng ngân sách.
Như vậy, thay đổi về cơ chế tạo nguồn trong năm 2025 không chỉ giúp tháo gỡ rào cản kỹ thuật trong quản lý tài chính, mà còn là tiền đề để thực hiện các bước điều chỉnh tiếp theo, nhằm từng bước cải thiện đời sống người hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách nhà nước.
https://laodong.vn/kinh-doanh/sap-tang-luong-theo-co-che-moi-khong-con-trich-lap-cung-1501457.ldo
QUỐC HUY (BÁO LAO ĐỘNG)