Thời sự
Cập nhật lúc 05:23 11/04/2025 (GMT+7)
Ô nhiễm không khí - Thách thức từ hệ thống quan trắc

Một trong những hạn chế trong việc kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm không khí là do hệ thống quan trắc còn nhiều hạn chế.

Ô nhiễm không khí đáng báo động

Ô nhiễm không khí hiện đang là vấn đề nhận được rất nhiều sự chú ý, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội nhiều ngày liền đứng trong top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Theo ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí IQAir, có những thời điểm, chất lượng không khí tại Hà Nội ở mức trên 200 - ngưỡng gây hại tới sức khỏe con người. Trong đó khu vực Hồ Tây là khu vực đứng đầu về ô nhiễm.

Hôm nay (11.4), chỉ số IQA tại Hà Nội là 154 - mức không lành mạnh và tiếp tục đứng thứ 4 trong các thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Theo dự báo, phải tới tháng 5-6, tình trạng ô nhiễm môi trường tại Hà Nội mới được cải thiện. Ảnh: Việt Anh.
Theo dự báo, phải tới tháng 5-6, tình trạng ô nhiễm môi trường tại Hà Nội mới được cải thiện. Ảnh: Việt Anh

Không chỉ tại Hà Nội, TPHCM cũng có không ít ngày chỉ số chất lượng không khí AQI tại TPHCM liên tục báo đỏ ở nhiều khu vực, báo động tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng có thể gây hại tới sức khỏe.

Theo PGS.TS Hoàng Anh Lê - Trưởng Bộ môn Quản lý môi trường, khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, ô nhiễm không khí tại Việt Nam nói chung và các thành phố lớn nói riêng đến từ các nguồn xả thải như phương tiện giao thông, hoạt động công nghiệp, hoạt động đốt rác... Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa các điều kiện khí tượng, thời tiết cũng là nguyên nhân khiến cho không khí ô nhiễm khó khuếch tán.

Hệ thống quan trắc còn hạn chế

Trong tọa đàm "Giảm thiểu ô nhiễm không khí: Những việc cần làm ngay", các vị khách mời đã chia sẻ những thách thức trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí, trong đó có một phần lý do đến từ việc hệ thống quan trắc còn hạn chế.

Chia sẻ tại tọa đàm ông Nguyễn Hoàng Đức - Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) - cho biết, như các nước trên thế giới, Việt Nam cũng có các loại trạm quan trắc tự động, liên tục, cố định và những trạm quan trắc bằng cảm biến giá rẻ. Hiện tại, Việt Nam đã có quy hoạch mạng lưới quan trắc không khí với 37 trạm cố định và tự động cấp trung ương.

Còn tại các địa phương, có khoảng hơn 90 trạm cung cấp các chỉ số để đưa lên ứng dụng AQI để người dân có thể tham khảo được về chất lượng môi trường, không khí. Bên cạnh đó, những hệ thống này còn mang tính chất dự báo về chất lượng không khí.

Tọa đàm bàn về những giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí. Ảnh: Vũ Linh.
Tọa đàm bàn về những giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí. Ảnh: Vũ Linh

"Về hệ thống quan trắc hiện tại cũng có những hạn chế nhất định. Ví dụ, việc đầu tư cho trạm quan trắc tự động, cố định thì kinh phía khá lớn. Những trạm mang tính chất cảm biến sẽ rẻ hơn nhưng về mặt số liệu sẽ không chính xác bằng trạm tự động, cố định. Có thể nói, về mặt cơ sở kỹ thuật, chúng ta có thể làm được nhưng về mặt kinh phí đầu tư sẽ rất lớn. Tất nhiên, trong tương lai chúng ta cũng sẽ hướng tới tăng trưởng các trạm tự động để những dự báo có thể chính xác hơn", ông Nguyễn Hoàng Đức nói.

Trong khi đó, PGS.TS Hoàng Anh Lê cho rằng, chúng ta cũng đang áp dụng nhiều công nghệ như AI, vệ tinh để giám sát và dự báo chất lượng không khí, tuy nhiên có những thời điểm cũng chưa được chính xác.

"Chất lượng không khí phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên chỉ cần thiếu một yếu tố sẽ khiến dự báo bị sai lệch. Tôi nghĩ trong tương lai chúng ta sẽ hoàn thiện công cụ quan trắc để dự báo ngày mai, thậm chí là giờ tới chất lượng không khí sẽ ra sao. Việc dự báo tốt có thể giúp chúng ta có các giải pháp để phòng ngừa và ứng phó kịp thời", PGS.TS Hoàng Anh Lê nói.

https://laodong.vn/moi-truong/o-nhiem-khong-khi-thach-thuc-tu-he-thong-quan-trac-1490017.ldo

Huy Hoàng (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: