Nhớ về ngày thống nhất
Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, Bắc – Nam sum họp một nhà, phóng viên có cuộc gặp gỡ với những chứng nhân lịch sử – những người đã sống trong ngày 30.4.1975, trong không khí vỡ òa khi cả nước tưng bừng rực rỡ cờ hoa.
Nhân dân Sài Gòn vui mừng trong ngày chiến thắng 30.4.1975. Ảnh: Tư liệu
Mỗi khoảnh khắc ngày 30.4.1975 đều không thể nào quên
Trò chuyện với phóng viên Lao Động nhiều năm về trước, BTV Kim Cúc – người đọc bản tin chiến thắng trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 30.4.1975 – đã ví, vào ngày hôm ấy, mỗi khoảnh khắc đều trở thành lịch sử.
Vào lúc 11h30 ngày 30.4.1975, khi lá cờ của Quân Giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của Mỹ, Ngụy, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. 11h45, bản tin được gửi về Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo quân ta đã tiến vào Sài Gòn, lật đổ cánh cổng cơ quan đầu não của Ngụy quân, Ngụy quyền, và giải phóng hoàn toàn thành phố.
Ngay sau khi bản tin chiến thắng phát trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, người dân Hà Nội đã đổ ra đường reo hò vang dội, tay cầm cờ, miệng hô vang: Chiến thắng rồi, chiến thắng rồi.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến sinh năm 1958, vào ngày 30.4.1975, ông đang là học sinh lớp 10 Trường Đoàn Kết 3 ở Hà Nội.
Trò chuyện với phóng viên Lao Động, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến kể: “Hôm đó, Trường Đoàn Kết 3 của tôi đã cho học sinh nghỉ học. Lũ trò chúng tôi hớn hở đạp xe lên Bờ Hồ. Phố Bạch Mai, phố Huế, Hàng Bài đông đúc, nhộn nhịp, bác lái tàu điện dậm chuông xin đường. Ngày thường thì nhường, nhưng hôm đó mặc kệ tàu điện, kệ tiếng chuông, mọi người đều hân hoan trong không khí chiến thắng.
Lên đến Bờ Hồ, ngày thường khu vực này không quá đông, song chiều 30/4 là người chen người. Băng rôn, khẩu hiệu và cờ đỏ rực. Chúng tôi cứ đi quanh hồ nhiều vòng, quên cả đói, quên cả khát, khi ánh đèn bừng lên mới chia tay về nhà”.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến. Ảnh: Mi Lan
Đài Tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ) hôm ấy đã đốt hẳn một bánh pháo dài từ gần đỉnh cột phát sóng xuống mặt đất, tiếng nổ vang trời.
Đến ngày 1.5.1975, theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến nhớ lại, học sinh các trường trung học phổ thông ở Hà Nội đều tham gia múa hát tập thể ở các địa điểm công cộng trong thành phố mừng đất nước thống nhất.
“Trường tôi tham gia ở khu vực Nhà hát Lớn. Không khí rất tưng bừng. Mỗi học sinh được phát một cái bánh mì sau khi biểu diễn văn nghệ. Tôi còn nhớ, hôm đó thành phố quyết định bán thêm tiêu chuẩn thịt để các gia đình làm nem hay nấu phở ăn mừng chiến thắng đất nước” – 50 năm đã trôi qua, nhưng nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến vẫn nhớ chi tiết các sự kiện mà ông chứng kiến trong ngày 30.4 và 1.5.1975 ở Hà Nội. Một ngày không thể nào quên.
Những trận bóng Bắc Nam sum họp
Huấn luyện viên đội tuyển bóng đá nữ quốc gia – Mai Đức Chung sinh ngày 21.6.1950. Năm 1975, ông đang là cầu thủ của đội bóng thuộc Tổng cục Đường sắt.
Ngày 30.4.1975, cầu thủ Mai Đức Chung cũng hòa mình trong dòng người Hà Nội hân hoan mừng chiến thắng, lòng hướng về miền Nam ruột thịt.
Cho đến hôm nay, ở tuổi 76, HLV Mai Đức Chung vẫn chưa quên bất cứ kỷ niệm nào từng có khi ông vinh dự là một trong những cầu thủ của đội Tổng cục Đường Sắt tham gia những trận đấu Bắc – Nam sum họp năm 1976. Ông nhớ chi tiết, cụ thể tỷ số của từng trận đấu khi lần đầu tiên vào Nam năm 1976.
HLV Mai Đức Chung. Ảnh: Tuấn Anh
“Tháng 11 năm 1976, Tổng Công đoàn Lao động Việt Nam cử đội Tổng cục Đường Sắt – vừa vô địch giải công nhân – vào tham dự các trận Bắc – Nam sum họp. Tôi mới nghe nói được vào Nam thi đấu bóng đá thì sung sướng lắm. Bao nhiêu năm đất nước bị chia cắt như thế, bỗng được vào phục vụ khán giả miền Nam trong các trận đấu bóng đá, tôi cảm thấy vô cùng tự hào, vinh dự.
Đó là lần đầu tiên tôi được vào Nam, cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in cảm xúc của ngày hôm đó. Tất cả những gì tôi biết về miền Nam lúc đó chỉ qua báo chí, nghe kể, chưa có hình dung cụ thể nào.
Buổi tối trước khi lên đường vào Nam, tôi còn hồi hộp đến mức không ăn, không ngủ được” – HLV Mai Đức Chung kể lại.
Theo HLV Mai Đức Chung, trước khi lên đường vào Nam, ông và các cầu thủ đã học tập một lớp chính trị để biết tình hình ở miền Nam ra sao, tổ chức thế nào, việc đi đứng ăn ở, sinh hoạt tập thể, ăn nói ra sao, văn hóa ở đó thế nào... Tất cả đều phải học.
Đội bóng đi bằng máy bay cánh quạt của Mỹ (chiến lợi phẩm sau chiến tranh), và hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất.
“Khi chúng tôi bước chân xuống sân bay, cả đoàn được các vận động viên, cổ động viên và người dân ra đón rất nồng nhiệt. Chúng tôi rất xúc động” – HLV Mai Đức Chung nhớ lại.
Trong ký ức của HLV Đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia, ông còn lưu lại từng kỷ niệm và nhớ tỷ số của từng trận đấu. Đội Tổng cục Đường Sắt đã đấu 5 trận với 5 câu lạc bộ của miền Nam.
Trận đầu tiên, Tổng cục Đường Sắt đấu với Cảng Sài Gòn thắng 2-0, sau đó đi ôtô xuống thi đấuWITH đội Hậu Giang thắng 3-0, tiếp tục đá một trận với Đồng Tháp thắng 2-0, đá với Tây Ninh thắng 2-0, sau đó họ quay lại TPHCM đá với đội Hải Quan và thua 2-1.
“Cứ 3 ngày chúng tôi đá một trận. Lúc ấy, thắng – thua không quan trọng gì cả, tất cả đều thi đấu trên tinh thần giao hữu, cống hiến, vui là chính. Chúng tôi đã đá tất cả 5 trận với 5 CLB ở miền Nam. Dân chúng tràn cả vào sân để xem. Trận đấu diễn ra lúc 5h chiều, nhưng dân chúng đã kéo đến sân từ 12h trưa. Sân vận động thời đó khá nhỏ, dân chúng đứng chật kín, còn chen cả lên các vạch vôi. Khán giả hò reo, cổ vũ rất nhiệt tình. Dù nhiều năm đã trôi qua, tôi chưa bao giờ quên những khoảnh khắc đó” – HLV Mai Đức Chung kể lại.
Với HLV Mai Đức Chung, 5 trận đấu của những ngày Bắc – Nam sum họp năm 1976 là 5 trận đấu vinh dự nhất trong cuộc đời cầu thủ của ông.
https://laodong.vn/xa-hoi/nho-ve-ngay-thong-nhat-1498961.ldo
MI LAN (BÁO LAO ĐỘNG)