Thời sự
Cập nhật lúc 01:03 30/04/2025 (GMT+7)
Giá trị di tích Bến tàu Không số tại Hải Phòng

Theo Lịch sử Đảng bộ TP. Hải Phòng, bến K15, điểm xuất phát đường Hồ Chí Minh trên biển, nằm gần sườn dốc cạnh thung lũng Xanh, phía dưới khách sạn Vạn Hoa, nay là trụ sở công ty Liên doanh Du lịch quốc tế Đồ Sơn. Dấu tích của bến xưa là những hàng cọc nhô lên khỏi mặt nước biển gần vụng Vạn Sét.

Giá trị di tích Bến tàu Không số tại Hải Phòng
Tàu vận tải quân sự HQ671- Con tàu “Không số” được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2017. Ảnh: Mai Dung

Đầu những năm 1960, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở tuyến vận chuyển vũ khí vào Nam bằng đường biển. Năm 1961, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập Đoàn 759 (gồm các chiến sĩ ở miền Nam mới ra và một số cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc). Đoàn 759 có nhiệm vụ mua sắm phương tiện, vận chuyển các loại hàng tiếp tế cho chiến trường miền Nam.

Đêm 8.4.1962, đoàn 759 (sau đổi phiên hiệu là 125) Hải quân nhân dân Việt Nam thực hiện chuyến đi trinh sát đã đến được miền Nam an toàn. Đêm 11.10.1962, tàu Phương Đông 1 khởi hành từ bến K15, gồm 13 thủy thủ đều là các chiến sĩ miền Nam tập kết, do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm chính trị viên. Sau 6 ngày đêm lênh đênh trên biển, khôn khéo lẩn tránh sự săn lùng của địch, tàu cập bến Vàm Lũng - Cà Mau an toàn. Chuyến vận chuyển vũ khí đầu tiên bằng đường biển đã thành công. Đường giao thông xuyên suốt ven biển Bắc-Nam đã được mở.

Từ đó, tại Bến K15, những “con tàu không số” nối tiếp rời bến, mang theo lượng lớn vũ khí trang bị chi viện cho chiến trường, cả những nơi mà đường bộ chưa vươn tới được. Mỗi chuyến tàu xuất phát từ Bến K15, cán bộ, chiến sĩ không màng gian khó và hiểm nguy rình rập, quyết tâm với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Trong suốt những tháng năm lịch sử, từ Bến K15 đã có 88 chuyến vận tải quân sự trên biển chuyên chở gần 5.000 tấn vũ khí đạn dược và hàng nghìn tấn hàng hóa khác chi viện cho chiến trường miền Nam. Có những con tàu trong số đó buộc phải phá hủy để xóa dấu vết khi bị địch phát hiện, bảo đảm bí mật tuyệt đối cho tuyến đường đặc biệt này.

Để ghi nhớ công ơn, tưởng nhớ đến những anh hùng chiến sĩ trên những chuyến tàu không số, TP. Hải Phòng xây dựng tượng đài kỷ niệm đường Hồ Chí Minh trên biển, liền kề di tích Bến K15. Ngày 18.8.2008, bến K15 được xếp hạng Di tích lịch sử kháng chiến cấp Quốc gia, theo Quyết định số 63/2008/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1473 xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt (đợt 16 năm 2024) với 6 di tích. Trong đó, có Cụm Di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển (TP. Hải Phòng, tỉnh Phú Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau).

Bà Phạm Thị Huyền – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao Du lịch quận Đồ Sơn – cho biết: Bến K15 là địa chỉ đỏ nổi tiếng, mỗi năm đón khoảng 8.000 lượt du khách trong và ngoài thành phố đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử Bến tàu Không số, trong đó, phần lớn là các đoàn học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập.

Qua thời gian, di tích Bến K15 ngày càng xuống cấp. Do vậy, HĐND TP. Hải Phòng quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng tu bổ, tôn tạo quần thể di tích Bến K15. Theo đó, thành phố đầu tư xây dựng, tu bổ tôn tạo tổng thể khu di tích bến K15 trên diện tích 2,28ha gồm các hạng mục chính: Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ, cầu tàu kết hợp thả hoa đăng, tàu mô phỏng kết hợp tượng lễ truy điệu sống các chiến sĩ Đoàn tàu Không số; Phù điêu Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lực lượng Hải quân; sân quảng trường, cổng vào di tích và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư dự án là 234,539 tỉ đồng, thực hiện từ 2021-2026. Dự án góp phần bảo đảm đồng bộ về kiến trúc, cảnh quan, phát huy giá trị của di tích bến K15 - điểm đến sinh hoạt chính trị, văn hóa, du lịch của quận Đồ Sơn, Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung.

https://laodong.vn/xa-hoi/gia-tri-di-tich-ben-tau-khong-so-tai-hai-phong-1499169.ldo

MAI DUNG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: