Dự kiến thí điểm Viện Kiểm sát khởi kiện vụ án dân sự tại 6 tỉnh thành
Việc thí điểm Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) khởi kiện vụ án dân sự tại 6 tỉnh, thành phố nhằm bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến. Ảnh: Quochoi.vn
Chiều 16.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.
Trình bày tờ trình, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, điều 187, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, việc bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công thông qua việc khởi kiện vụ án dân sự được giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua các cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện, thực hiện chưa đầy đủ hoặc chưa hiệu quả trách nhiệm của mình, dẫn đến lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm dễ bị tổn thương chưa được bảo vệ hiệu quả theo quy định của pháp luật.
Nguyên nhân được Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết là do các cơ quan, tổ chức không đủ nguồn lực, năng lực, kinh nghiệm để tham gia tố tụng; pháp luật chưa quy định về cơ chế bảo đảm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quyền khởi kiện vụ án dân sự trong các trường hợp này.
VKSND Tối cao thấy rằng, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự công ích thuộc trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
VKSND đề nghị cho phép xây dựng nghị quyết thí điểm theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Về hiệu lực thi hành, cơ quan soạn thảo nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2026 và được thực hiện trong 3 năm tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Đắk Lắk, trừ trường hợp Quốc hội có quyết định khác.
Theo ông Nguyễn Huy Tiến, việc thí điểm này không làm phát sinh thêm biên chế cán bộ và tổ chức bộ máy mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Quochoi.vn
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung văn bản ý kiến của Chính phủ và TAND Tối cao để bảo đảm đầy đủ hồ sơ theo quy định.
Cơ quan thẩm tra cũng tán thành với việc xác định các chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương và các lợi ích công được bảo vệ như dự thảo nghị quyết.
Bên cạnh đó, để bảo đảm chặt chẽ, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ khái niệm “lợi ích công” với các khái niệm lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng để bao quát đầy đủ và thống nhất với các bộ luật khác.
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị xem xét lại một số trường hợp thuộc nhóm dễ bị tổn thương như: Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Theo ông Tùng, dự thảo nghị quyết quy định thẩm quyền của VKSND trong việc kiểm tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, trong đó nhiều nội dung thuộc thẩm quyền của tòa án là không phù hợp.
Cho ý kiến tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, nên ban hành nghị quyết thí điểm với những điều kiện như xây dựng khung pháp lý sao cho rõ ràng, cần quy định rõ phạm vi, đối tượng, lĩnh vực áp dụng.
Ví dụ môi trường, an toàn thực phẩm, quyền của người chưa thành niên, quyền khởi kiện, cơ chế phối hợp tòa án.
Chủ tịch Quốc hội nói làm sao phù hợp Bộ luật Tố tụng dân sự mà chúng ta đang thực hiện và các văn bản pháp luật liên quan.
https://laodong.vn/thoi-su/du-kien-thi-diem-vien-kiem-sat-khoi-kien-vu-an-dan-su-tai-6-tinh-thanh-1492480.ldo
CAO NGUYÊN (BÁO LAO ĐỘNG)