Thời sự
Cập nhật lúc 08:50 14/04/2025 (GMT+7)
Đề xuất bỏ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức

Bộ Nội vụ đã đưa ra một số gợi mở cho việc nâng ngạch công chức và thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho Việt Nam.

Đề xuất bỏ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức
Theo Bộ Nội vụ, việc thăng hạng viên chức chủ yếu giải quyết vấn đề tăng lương, chưa phản ánh được bản chất của việc thăng hạng. Ảnh minh họa: Hương Nha

Trong quá trình xin ý kiến góp ý cho Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ đã tham khảo cách làm của nhiều quốc gia trên thế giới và đưa ra một số gợi mở cho việc nâng ngạch công chức và thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho Việt Nam.

Các quốc gia thực hiện việc nâng ngạch dựa trên kết quả làm việc, thành tích và phân cấp cho người đứng đầu cơ quan xét trên cơ sở đánh giá hiệu suất làm việc.

Bộ Nội vụ cho biết, ở Việt Nam hiện nay, việc tổ chức thi nâng ngạch có một số bất cập.

Thứ nhất, kỳ thi chưa thực sự đánh giá được năng lực của ứng viên, môn kiến thức chung còn nặng về kiến thức học thuộc, chưa phản ánh về hiểu biết và năng lực của công chức.

Thứ hai, có hiện tượng công chức đi học chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số để được miễn thi môn ngoại ngữ, tuy nhiên, vị trí việc làm không cần sử dụng ngoại ngữ hay tiếng dân tộc thiểu số.

Thứ ba, tỉ lệ cạnh tranh và trượt trong kỳ thi nâng ngạch là rất thấp. Đồng thời, tổ chức thi nâng ngạch tốn kém chi phí do phải hoàn thiện các loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, tiếng dân tộc, bồi dưỡng theo ngạch, thời gian và công sức, dễ nảy sinh tiêu cực.

Ngoài ra, công chức dự thi nâng ngạch mục đích chính là tăng lương, chưa chú trọng đến đáp ứng yêu cầu công việc của ngạch cao hơn.

Bộ Nội vụ cho rằng, việc xét nâng ngạch trên cơ sở “có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận” là chưa phù hợp với các quy định liên quan đến công tác luân chuyển cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý và công tác chuyển đổi vị trí việc làm.

Việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí việc làm, điều động công chức ảnh hưởng đến chuyển đổi ngạch công chức (ngạch chuyên viên sang thanh tra viên, chấp hành viên, điều tra viên…) trong khi các thành tích đạt được trong thời gian giữ ngạch trước khi chuyển đổi mặc dù vẫn có giá trị tương đương nhưng không phải ngạch công chức hiện giữ…

Chính vì vậy, Bộ cho rằng có thể cân nhắc bỏ thi nâng ngạch, thay bằng xét nâng ngạch công chức trên cơ sở khả năng làm việc, thành tích ở ngạch cũ.

Theo Bộ Nội vụ, nhiều quốc gia thực hiện việc xét thăng hạng thể hiện con đường phát triển chức nghiệp của viên chức.

Đối với Việt Nam, còn tình trạng các viên chức đi học nâng cao trình độ chuyên môn và hoàn thiện các loại chứng chỉ theo tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp. Việc thăng hạng viên chức chủ yếu giải quyết vấn đề tăng lương, chưa phản ánh được bản chất của việc thăng hạng.

Bộ Nội vụ lấy ví dụ các trường phổ thông, không có sự khác biệt về chất lượng giảng dạy của giáo viên hạng 3 và hạng 2, trong lĩnh vực y tế; bác sĩ hạng 3 và hạng 2 cũng không có sự khác biệt về năng lực làm việc.

Vì vậy, Bộ Nội vụ đề xuất Việt Nam cần xem xét tăng lương cho viên chức và bỏ cơ chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

https://laodong.vn/thoi-su/de-xuat-bo-xet-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-vien-chuc-1491000.ldo

HƯƠNG NHA (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: