Chiến thuật chọn ngành nghề để nắm chắc cơ hội việc làm sau tốt nghiệp
Chọn ngành học, trường học phù hợp là điều rất quan trọng, quyết định kết quả 4 năm học cũng như tương lai sau này. Theo các chuyên gia tuyển sinh, thí sinh cần phân tích kỹ trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng.
Chuyên gia khuyên thí sinh cần có chiến thuật chọn ngành nghề thông minh. Ảnh: Trang Hà
Hơn một triệu thí sinh lớp 12 trên cả nước chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Bên cạnh áp lực ôn luyện, nhiều em đang băn khoăn trước vấn đề chọn ngành học phù hợp với bản thân.
Phạm Kim Anh - học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) chia sẻ: “Mọi người trong gia đình đều mong em thi sư phạm để làm giáo viên vì nghĩ ra trường có công việc ổn định. Nhưng em lại yêu thích ngành Thiết kế đồ họa, thích vẽ, thích sáng tạo, dù bố mẹ nói học ngành đó rất bấp bênh, cạnh tranh khốc liệt, ra trường khó tìm việc. Em đang rất bối rối, không biết nên nghe theo bố mẹ hay quyết tâm theo đuổi đam mê”.
Không chỉ Kim Anh, rất nhiều thí sinh khác cũng đang trong tình trạng hoang mang, băn khoăn khi lựa chọn ngành nghề phù hợp. Trên các diễn đàn học tập, mạng xã hội, các bảng xếp hạng ngành nghề “hot” tràn ngập với những thông tin về mức lương cao vô hình tạo ra áp lực cho thí sinh. Rất nhiều em thừa nhận đã từng cảm thấy lo lắng, sợ hãi nếu chọn ngành không đúng “trend”, sợ bị chê là tụt hậu, sợ ra trường thất nghiệp.
Áp lực chọn ngành nghề hiện nay không chỉ đến từ chính bản thân học sinh, mà còn đến từ gia đình. Các bậc phụ huynh với mong muốn tốt cho con thường muốn con chọn những ngành học được coi là ổn định, dù chưa hiểu hết đam mê hay năng lực thực sự của con. Không ít thí sinh thú nhận rằng, mình chọn ngành vì chiều lòng bố mẹ, nghe lời khuyên từ họ hàng, bạn bè hoặc vì thấy ngành đó đang “hot”.
Lê Hương Giang - học sinh lớp 12 Trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh) cho biết: “Em thích học Văn, ước mơ trở thành biên tập, làm nhà sáng tạo nội dung, nhưng gia đình lại bảo em nên học các ngành liên quan đến lĩnh vực kinh tế để có tương lai rộng mở".
Chia sẻ với thí sinh, TS Lê Danh Quang - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội - cho rằng, việc chọn ngành học cần dựa trên ba yếu tố: Năng lực, sở thích cá nhân và nhu cầu của thị trường lao động. Vị này khuyên thí sinh nên cân nhắc lựa chọn những ngành học đúng sở thích, đam mê, đồng thời bám sát xu hướng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội.
“Thí sinh nên dành thời gian tự đánh giá sở thích, năng lực bản thân, đồng thời tìm hiểu kỹ thông tin ngành nghề, thị trường lao động. Không chỉ nghe thông tin từ mạng xã hội, người thân, mà hãy chủ động tham khảo ý kiến từ các chuyên gia, nhà tuyển dụng hoặc cựu sinh viên ngành đó. Việc trải nghiệm thực tế qua thực tập, hoạt động ngoại khóa cũng giúp các em hiểu rõ ngành hơn” - TS Lê Danh Quang nói.
Sau khi xác định được ngành học phù hợp, bước tiếp theo là tìm hiểu kỹ về các cơ sở đào tạo xem xét chất lượng giảng dạy, uy tín của trường, khả năng đáp ứng năng lực học tập và điều kiện tài chính của bản thân để đưa ra lựa chọn cuối cùng.
PGS.TS Nguyễn Thị Hòa - Trưởng Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Giao thông Vận tải lưu ý các thí sinh, mỗi ngành học thường có nhiều trường đào tạo với mức điểm chuẩn khác nhau. Nếu ngành mình yêu thích ở một trường có điểm chuẩn cao, thí sinh có thể xem xét các trường khác đào tạo cùng ngành nhưng có mức điểm thấp hơn, phù hợp với năng lực
https://laodong.vn/giao-duc/chien-thuat-chon-nganh-nghe-de-nam-chac-co-hoi-viec-lam-sau-tot-nghiep-1502120.ldo
Thanh Hằng (BÁO LAO ĐỘNG)