Thời sự
Cập nhật lúc 02:16 17/04/2025 (GMT+7)
Bố trí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy về làm Bí thư Đảng ủy cấp xã sau sáp nhập

Trường hợp đặc biệt, có thể xem xét, bố trí ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy làm bí thư đảng ủy cấp xã sau khi hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới.

Bố trí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy về làm Bí thư Đảng ủy cấp xã sau sáp nhập
Có thể xem xét, bố trí nhân sự là ủy viên cấp tỉnh, trường hợp đặc biệt là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy làm bí thư đảng ủy cấp xã sau sáp nhập. Ảnh minh họa: VGP

Bộ Chính trị vừa có Kết luận 150-KL/TW (Kết luận 150) hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.

Kết luận 150 nêu rõ, việc xây dựng phương án nhân sự cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy; phân công cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc sau hợp nhất, sáp nhập là công việc quan trọng, cần bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Theo đó, không xem xét, phân công, bố trí, giới thiệu giữ chức vụ cao hơn, có vị trí quan trọng hơn đối với cán bộ đã bị thi hành kỷ luật trong nhiệm kỳ 2020-2025 hoặc có vi phạm, khuyết điểm theo kết luận của cấp có thẩm quyền hoặc có thông tin về trách nhiệm cá nhân trong các vụ án, vụ việc, kết luận mà các cơ quan chức năng đang, sẽ điều tra, thanh tra, kiểm tra.

Phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh của các địa phương trong diện hợp nhất, sáp nhập bao gồm các đồng chí cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp tỉnh đương nhiệm; đối với cấp xã mới thành lập, bao gồm cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp huyện sau khi kết thúc hoạt động được điều động, phân công về cấp xã và cấp ủy viên của cấp xã đương nhiệm, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.

Việc phân công, chỉ định, bố trí, giới thiệu nhân sự căn cứ vào cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện; trong đó đặc biệt coi trọng, đề cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực lãnh đạo, uy tín, nhất là có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung và có kết quả, sản phẩm công tác cụ thể.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ khoa học, công nghệ nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Tuyệt đối tránh khuynh hướng, tư tưởng cục bộ địa phương, "lợi ích nhóm", tiêu cực trong phân công, bố trí, giới thiệu cán bộ.

Tại thời điểm hợp nhất, sáp nhập, số lượng phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND và cấp phó của các cơ quan, đơn vị trực thuộc có thể nhiều hơn so với quy định; đồng thời, việc phân công, bố trí số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, ủy ban kiểm tra cấp ủy có thể nhiều hơn ở một số cơ quan, đơn vị trực thuộc; tuy nhiên, sau 5 năm, số lượng và việc bố trí nhân sự sẽ thực hiện theo quy định.

Đáng chú ý đối với đảng bộ cấp xã, phường, đặc khu (sau khi hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới), Kết luận 150 nêu nội dung có thể xem xét, bố trí nhân sự là cấp ủy viên cấp tỉnh làm bí thư đảng ủy; trường hợp đặc biệt, nếu đảng bộ có vị trí quan trọng, quy mô kinh tế, hạ tầng giao thông đô thị phát triển, số lượng đảng viên và dân số đông, có thể xem xét, bố trí nhân sự là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy làm bí thư đảng ủy.

https://laodong.vn/thoi-su/bo-tri-uy-vien-ban-thuong-vu-tinh-uy-ve-lam-bi-thu-dang-uy-cap-xa-sau-sap-nhap-1492677.ldo

Lam Duy (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: