46% thuế quan từ Mỹ - cú hích cho Việt Nam nâng tầm chuỗi giá trị
Mức thuế mới từ Mỹ khiến hàng Việt đối mặt nhiều thách thức, nhưng đây cũng là thời điểm để tái cơ cấu, đổi mới công nghệ và nâng tầm chuỗi giá trị.
Th.s Nguyễn Nhật Minh, Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng nhận định về chính sách thuế mới của Mỹ. Ảnh: Học viện Ngân hàng
Thách thức chưa từng có
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế, mức thuế 46% Mỹ áp đối với Việt Nam tương đương một nửa trong tổng rào cản thương mại 90% mà Mỹ tính toán, dựa vào tỷ lệ thâm hụt thương mại song phương giữa hai nước. Không chỉ dừng ở thuế, chính sách mới của Mỹ còn bao gồm cả các yếu tố phi thuế quan như tiêu chuẩn kỹ thuật, hải quan, thao túng tiền tệ…
Đây là lần đầu tiên Việt Nam bị áp dụng mức thuế cao nhất trong một chính sách điều chỉnh toàn diện như vậy. Tác động của chính sách không chỉ đơn thuần là chi phí tăng, mà còn hướng tới thay đổi cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu trong ít nhất 5 năm tới.
Ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế và doanh nghiệp
Nếu kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ giữ ở mức khoảng 120 tỉ USD/năm, thì với thuế suất mới, Việt Nam có thể phải chịu gánh nặng lên tới 55 tỉ USD -tương đương khoảng 12% GDP năm 2024. Điều này đặc biệt đáng lo ngại với các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, điện tử, thép - những ngành vốn đã có biên lợi nhuận mỏng.
Hàng hóa Việt Nam sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn nhiều so với các nước cạnh tranh. Các doanh nghiệp buộc phải tính toán lại chiến lược xuất khẩu, thậm chí có thể phải rút khỏi thị trường Mỹ nếu không có hỗ trợ phù hợp.
Ngay cả dòng vốn FDI cũng có thể bị ảnh hưởng. Các nhà đầu tư có ý định đầu tư mới vào Việt Nam sẽ buộc phải quan sát thêm, khiến môi trường đầu tư đối mặt với những bất định ngắn hạn.
Cần đối thoại khẩn cấp và chính sách hỗ trợ
Trước mắt, Việt Nam đã có động thái tích cực như ban hành Nghị định 73 ngày 31.3.2025, điều chỉnh thuế suất nhập khẩu ưu đãi cho hàng hóa từ Mỹ như khí hóa lỏng, ethanol, ôtô, nông sản…
Chính phủ cần khẩn trương thiết lập kênh đối thoại trực tiếp với Mỹ để làm rõ cơ sở tính thuế, tìm kiếm cơ chế đàm phán hoặc lộ trình giảm mức áp thuế. Có thể đưa nội dung này vào chương trình làm việc sắp tới của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tại Mỹ.
Bên cạnh đó, để giảm tác động tiêu cực, Chính phủ có thể xem xét các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME): hoãn, giãn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, cấp tín dụng ưu đãi ngắn hạn - tương tự như chính sách Hàn Quốc từng áp dụng hiệu quả năm 1997.
Trong nguy có cơ - thời điểm để tái cấu trúc
Dù khó khăn là hiện hữu nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam chuyển mình.
Đã đến lúc Việt Nam phải thoát khỏi vị thế quốc gia gia công giá rẻ, phụ thuộc vào một vài thị trường. Thách thức này buộc chúng ta tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, đầu tư vào công nghệ, phát triển thương hiệu riêng và xây dựng chuỗi cung ứng nội địa có khả năng tự chủ cao hơn.
Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP đang mở ra nhiều hướng đi. Chỉ riêng năm 2024, xuất khẩu sang EU tăng 20% - minh chứng cho tiềm năng từ các thị trường phi truyền thống nếu biết cách khai thác.
Thị trường trong nước với quy mô hơn 100 triệu dân cũng là “mỏ vàng” chưa được tận dụng hết. Việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa, phát triển thương hiệu Việt và tạo niềm tin nơi người tiêu dùng sẽ là chỗ dựa chiến lược cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.
Tóm lại, lịch sử kinh tế thế giới từng chứng minh: Những cú sốc lớn thường là tiền đề cho sự trỗi dậy ngoạn mục. Nhật Bản thập niên 1980, Hàn Quốc sau khủng hoảng tài chính châu Á, hay Trung Quốc sau các sức ép thương mại từ phương Tây - tất cả đều tận dụng được nghịch cảnh để tăng tốc.
Việt Nam cũng đang đứng trước một thời điểm như vậy. Nếu có sự đồng lòng từ Nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội, chúng ta hoàn toàn có thể biến nguy thành cơ, biến thách thức thành động lực để bước vào một kỷ nguyên phát triển mới - dựa trên khoa học công nghệ, chất lượng và đổi mới sáng tạo.
https://laodong.vn/kinh-doanh/46-thue-quan-tu-my-cu-hich-cho-viet-nam-nang-tam-chuoi-gia-tri-1486434.ldo
TH.S NGUYỄN NHẬT MINH - VIỆN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NGÂN HÀNG, HỌC VIỆN NGÂN HÀNG