Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật - Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN - giới thiệu về những điểm mới của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trong đó có quy định về bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Nam Dương
Ngày 24.4, tại TPHCM, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Gần 100 cán bộ công đoàn các tỉnh, thành phía Nam, Công đoàn Caosu Việt Nam tham dự hội nghị.
Theo quy định trong dự thảo, trong thời gian 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc, thì người lao động (NLĐ) phải đi đăng ký thất nghiệp để hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN).
Để được đăng ký và hưởng TCTN thì bắt buộc người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải đóng, chốt sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho NLĐ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp chậm đóng, không đóng BHXH, BHTN hay vì lý do gì chậm chốt sổ BHXH cho NLĐ, nên NLĐ không thể kịp đi đăng ký và hưởng TCTN.
Cán bộ công đoàn góp ý kiến vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Ảnh: Nam Dương
Ông Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - cho biết, thực tế có nhiều trường hợp doanh nghiệp chấm dứt HĐLĐ với NLĐ, nhưng chưa chốt sổ BHXH cho NLĐ ngay, hoặc đi chốt sổ BHXH nhưng gặp vướng mắc, nên gần hết hoặc hết thời hạn 3 tháng, NLĐ vẫn chưa được chốt sổ BHXH để làm thủ tục đăng ký thất nghiệp và như thế sẽ không được hưởng TCTN trong lúc cần tiền để sinh sống, đi tìm việc khác.
Thế nhưng dự thảo không quy định nếu doanh nghiệp chậm chốt BHXH cho NLĐ khiến NLĐ không được hưởng TCTN như thế thì phải bồi thường cho NLĐ.
“Thực tế, rất nhiều trường hợp chúng tôi đã phải làm đơn cảnh báo doanh nghiệp nếu không chốt sổ BHXH kịp thời cho NLĐ dẫn đến NLĐ không được hưởng TCTN thì sẽ bị kiện ra tòa và phải bồi thường một khoản tiền tương đương mức hưởng TCTN mà NLĐ được hưởng. Tuy nhiên, những trường hợp như thế vẫn không phải là bao trùm. Do đó, dự thảo cần có thêm quy định trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp nếu không làm đầy đủ, kịp thời các giấy tờ, thủ tục để NLĐ đi đăng ký và hưởng TCTN”, ông Hà kiến nghị.
Người lao động đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM. Ảnh: Nam Dương
Ông Phạm Văn Hiền - Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TPHCM - kiến nghị, nên nới rộng thời gian phải đăng ký thất nghiệp sau khi chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc lên 6 tháng thay vì 3 tháng như trong dự thảo. Vì hiện nay nhiều doanh nghiệp, đơn vị chậm, nợ BHXH, BHTN, nếu có được đóng bù cho NLĐ thì thời gian kéo dài, thủ tục chốt sổ BHXH, BHTN bị chậm nên NLĐ không kịp đi đăng ký thất nghiệp để hưởng TCTN.
Ông Hiền cũng kiến nghị, cần tăng dần mức hưởng TCTN từ 60% lên theo số năm đóng nhưng tối đa không quá 75%, vì quy định hiện nay chỉ cào bằng 60%, không khuyến khích NLĐ tham gia đóng BHTN lâu dài.
https://laodong.vn/cong-doan/kien-nghi-cham-dong-bao-hiem-that-nghiep-phai-boi-thuong-cho-nguoi-lao-dong-1496482.ldo