Công chức, viên chức muốn được giao KPI khi làm việc. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.
Bộ Nội vụ đang dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, trong đó đề xuất công chức không hoàn thành nhiệm vụ sẽ vào diện theo dõi trong 6 tháng, nếu vẫn không đáp ứng yêu cầu thì bố trí công việc thứ bậc thấp hơn hoặc cho thôi việc.
Đại biểu Quốc hội cũng đề xuất giao KPI cho cán bộ trong 3-6-12 tháng, hoàn thành tốt có thể thăng chức.
KPI là các chỉ số định lượng giúp đánh giá hiệu suất công việc của cá nhân, đội nhóm, phòng ban... Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập... cũng đã áp dụng KPI để đánh giá nhân sự, tập thể trong công việc để trả lương, thưởng.
Ghi nhận cho thấy, nhiều cán bộ, công chức, viên chức đều mong muốn được giao KPI để chứng tỏ năng lực.
Anh Nguyễn Văn Thông (nhân vật đề nghị thay tên, 34 tuổi) - Bí thư Đoàn xã tại Thái Bình cho hay, công việc hiện tại không có nhiều áp lực. Sau 4 năm làm việc, thu nhập của anh chỉ tăng hơn 1,5 triệu đồng. Mức tăng chủ yếu dựa vào lương cơ sở và phụ cấp kiêm nhiệm công việc khác.
Những lần hoàn thành các công việc quan trọng theo Đề án của tỉnh hoặc trung ương, anh Thông cho biết, chỉ được thưởng từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Tuy nhiên, một năm được thưởng khá ít, không quá 5 lần, các công việc khác tại cơ quan là trách nhiệm nên không có thưởng.
“Công việc phải hoàn thành, đó là trách nhiệm. Đây là cơ sở để cuối năm cơ quan tổng kết, bình xét quyết định có tăng phụ cấp, học nâng cao hoặc kiêm nhiệm thêm công việc khác để gia tăng thu nhập” - anh Thông nói.
Anh Thông ủng hộ đề xuất giao KPI công việc cụ thể nhưng kiến nghị nên có một mức nhất định, không quá khả năng để công chức, viên chức không gặp nhiều áp lực. Theo anh Thông, giao KPI sẽ tránh tình trạng làm cho có, cho đủ.
"KPI là thước đo để cán bộ, công chức Nhà nước dựa vào, làm việc hết mình, cố gắng hơn nữa. Có KPI và mức thưởng, tôi cho rằng, tuy áp lực nhưng cũng là động lực để gia tăng thu nhập hàng tháng" - nam cán bộ cho hay.
Anh Thông nhận định, KPI sẽ khiến công việc trở nên hứng thú hơn. Anh cũng sẽ luôn chủ động tìm tòi, đưa ra nhiều sáng kiến hay để tự áp dụng để đạt được hiệu quả như mong muốn.
Anh Nguyễn Văn Đạo (31 tuổi) - công chức địa chính xã tại Nam Định chia sẻ, các công việc của anh luôn có thời gian hoàn thành cụ thể. Với quy định thời gian như hiện tại, anh Đạo chưa có nhiều áp lực.
“Thường chúng tôi sẽ có từ 7 đến 45 ngày để giải quyết các hồ sơ chuyển nhượng đất đai tương ứng. Các công việc khác như đo đạc, cập nhật bản đồ, làm đề án quy hoạch hay xử lý khiếu nại người dân thì áp lực hơn nhưng vẫn giải quyết hiệu quả và được lãnh đạo tạo điều kiện” - anh Đạo cho hay.
Nam cán bộ cho biết, nếu có KPI cụ thể, anh không lo lắng công việc không hoàn thành mà sẽ cảm thấy năng lực bản thân được chú trọng khi luôn hoàn thành công việc đúng hạn, không xảy ra sai sót.
Về đề xuất được thăng chức nếu thường xuyên hoàn thành KPI công việc, anh Đạo vô cùng đồng tình. Tuy nhiên, nam cán bộ lo ngại, ở cấp xã, thường chỉ có một nhân viên làm công việc cụ thể, rất khó được thăng chức nếu người quản lý cấp trên vẫn còn đang làm việc.
Anh Đạo đề xuất thay vì thăng chức thì có thể đưa ra các khoản thưởng hấp dẫn.
Theo đó, nam công chức kiến nghị, nên thưởng ít nhất 10% lương thực tế nếu đạt 100% KPI. Mức thưởng sẽ tăng lên theo mức độ khó của KPI để công chức, viên chức lấy động lực hoàn thành công việc tốt nhất, tháng sau cao hơn tháng trước.
https://laodong.vn/cong-doan/cong-chuc-vien-chuc-muon-duoc-giao-kpi-khi-lam-viec-1492661.ldo