Thời sự
Cập nhật lúc 05:30 15/04/2025 (GMT+7)
Chuyên gia mách nước để không lạm dụng, phụ thuộc vào AI

TPHCM - Việc lạm dụng AI có thể làm giảm khả năng tư duy và sáng tạo của người sử dụng.

Chuyên gia mách nước để không lạm dụng, phụ thuộc vào AI
Một tiết học nói về các ứng dụng AI ở TPHCM. Ảnh: Chân Phúc

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng phát triển và len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống, từ giáo dục, y tế đến truyền thông, giải trí... bởi tính tiện lợi, hữu ích.

Nguyễn Thùy Dương, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, quá trình học tập gắn liền với việc sáng tạo văn bản và hình ảnh, do đó các công cụ AI thường xuyên được Thùy Dương sử dụng để giải đáp các khái niệm từ ngữ, câu hỏi khoa học, dịch thuật hay chuyển đổi các loại văn bản sang hình ảnh, hay âm thanh sang văn bản.

Theo Thùy Dương, việc sử dụng AI giúp nữ sinh rút ngắn các công đoạn cần thao tác và đảm nhiệm, tăng khoảng 40% hiệu suất so với cách học tập và làm việc truyền thống.

Tương tự, Nguyễn Thị Thúy Vy, sinh viên Trường Đại học Mở TPHCM cho hay, thường xuyên sử dụng AI để lên ý tưởng, tìm hiểu thông tin.

Thúy Vy cho biết, thường dùng AI để giải quyết các công việc tốn nhiều thời gian như kiểm tra lỗi chính tả, phân tích dữ liệu.

Tuy nhiên, việc quá lạm dụng AI đang khiến một bộ phận giới trẻ rơi vào tình trạng phụ thuộc, giảm khả năng tư duy và sáng tạo.

Tại chương trình Ngày hội Hỗ trợ học sinh khởi nghiệp do Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM phối hợp với Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tổ chức mới đây, Minh Nhật, học sinh tại TPHCM cho biết, đang sử dụng nhiều công cụ AI để hỗ trợ học tập và lên ý tưởng.

"Em cảm thấy bị quá phụ thuộc vào AI rồi và em muốn tìm cách để hạn chế bớt", Minh Nhật chia sẻ.

Trả lời câu hỏi của nam sinh, ông Nguyễn Trương Gia Kiệt - Trưởng bộ phận đào tạo khu vực phía Nam Samsung Việt Nam cho biết, đây đang là vấn đề chung của nhiều người đang gặp phải bởi hiện nay việc tiếp cận với AI rất dễ dàng.

Vị chuyên gia chia sẻ, hiện có rất nhiều ứng dụng AI - đây vừa là lợi thế vừa là bất lợi, do đó người sử dụng AI phải biết cách sử dụng thông minh.

Ông nói: "Không phải kết quả AI trả về lúc nào cũng đúng, do đó người sử dụng phải học cách tư duy, phản biện và suy nghĩ nhiều hơn. AI chỉ là công cụ, không thể thay thế được tư duy. Bản thân chúng ta mới là điều quan trọng nhất, sử dụng hợp lý AI sẽ là một người đồng hành, hỗ trợ xuất sắc và không lo bị phụ thuộc".

Ông Kiệt cũng khẳng định rằng, AI sẽ không thay thế con người nhưng những người biết sử dụng AI sẽ thay thế cho người không biết sử dụng AI.

Chung quan điểm, ông Đạt Phạm - CEO The Bunka House, chuyên gia xây dựng hình ảnh bằng AI cho biết, việc AI phát triển, dẫn đến tình trạng người người, nhà nhà đều sử dụng AI.

Ông đặt câu hỏi: "Vậy làm sao để có sự khác biệt và lợi thế?".

Từ đó, ông khuyên học sinh, sinh viên phải tăng cường rèn luyện, bổ sung kiến thức và ngôn ngữ. "Các em hãy tiếp xúc, tìm ra thế mạnh của từng con AI và tự nghĩ ra cách tiếp cận của riêng mình", ông Đạt Phạm chia sẻ.

https://laodong.vn/giao-duc/chuyen-gia-mach-nuoc-de-khong-lam-dung-phu-thuoc-vao-ai-1491859.ldo

Chân Phúc (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: