Bộ Nội vụ nói về thăng hạng chức danh viên chức lên hạng II
Bộ Nội vụ đã có phản hồi liên quan đến việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức lên hạng II, hạng I.
Tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị Bộ Nội vụ đôn đốc các bộ, ngành ban hành các Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức lên hạng II, hạng I.
Phản hồi về nội dung này, Bộ Nội vụ cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Nội vụ đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 7.12.2023.
Ngay sau khi ban hành Nghị định số 85/2023/NĐ-CP, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 7415/BNV-CCVC ngày 15.12.2023 đôn đốc các bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khẩn trương xây dựng, hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn, điều kiện chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để có cơ sở thực hiện việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức;
Đồng thời, khẩn trương xây dựng Thông tư để quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên hạng II và lên hạng I đối với viên chức hành chính, viên chức văn thư, viên chức lưu trữ.
Đến nay, đã có 11/13 bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức ban hành Thông tư xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ cho biết, sẽ tiếp tục đôn đốc các bộ khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ nêu trên, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Như Lao Động đưa tin, tỉnh Long An cũng có đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, hướng dẫn xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức đối với y sĩ.
Bộ Nội vụ đã cho biết, theo quy định của Luật Viên chức 2010, chức danh nghề nghiệp là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp (khoản 1 Điều 8).
Theo thẩm quyền được giao, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BYT-BNV quy định mã số, chức danh nghề nghiệp bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, y sĩ.
Theo đó, tại Thông tư này đã quy định rõ đây là các chức danh nghề nghiệp khác nhau, có chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn, điều kiện của từng chức chức danh nghề nghiệp và của từng hạng trong mỗi chức danh nghề nghiệp khác nhau.
Theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 2 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP thì “Hạng chức danh nghề nghiệp” là cấp độ thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp; “Thăng hạng chức danh nghề nghiệp” là việc viên chức được bổ nhiệm giữ chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn trong cùng một lĩnh vực nghề nghiệp.
Điểm d khoản 1 Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP) quy định tiêu chuẩn điều kiện dự xét thăng hạng.
Đồng thời, khoản 2 Điều 32 quy định: Đối với trường hợp viên chức đang xếp ở hạng chức danh nghề nghiệp mà hạng chức danh nghề nghiệp này không còn theo quy định của pháp luật hiện hành thì được xét thăng lên hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề với hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ nếu đang công tác ở vị trí việc làm phù hợp và đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều này. Quy định này không áp dụng đối với trường hợp có sự thay đổi mã số chức danh nghề nghiệp.
Do đó, Bộ Nội vụ đề nghị thực hiện việc xét thăng hạng theo đúng các quy định nêu trên; chỉ xét thăng hạng lên hạng cao hơn liền kề trong cùng chức danh nghề nghiệp; không xét thăng hạng kết hợp với xét chuyển chức danh nghề nghiệp; khi xét chuyển chức danh nghề nghiệp không kết hợp nâng bậc lương.
https://laodong.vn/xa-hoi/bo-noi-vu-noi-ve-thang-hang-chuc-danh-vien-chuc-len-hang-ii-1448212.ldo
HƯƠNG NHA (BÁO LAO ĐỘNG)