5 tỉnh thấp nhất về chỉ số hài lòng của người dân với cơ quan hành chính
5 tỉnh có xếp hạng thấp nhất về chỉ số hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính là Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, An Giang và Quảng Ngãi.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe kết quả, xếp hạng chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Ảnh: Nhật Bắc
Sáng 6.4, Chính phủ tổ chức phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.2025 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2025.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo và công bố kết quả, xếp hạng Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2024.
Trong đó, kết quả Chỉ số SIPAS năm 2024 đạt trung bình là 83,94%, tăng 1,28% so với năm 2023; 5 tỉnh, thành phố có kết quả SIPAS 2024 cao nhất là Hải Phòng, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu; 5 tỉnh thấp nhất là Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, An Giang và Quảng Ngãi.
Kết quả SIPAS 2024 đã ghi nhận nỗ lực rất lớn của chính quyền các cấp ở địa phương trong triển khai các giải pháp cải thiện chất lượng phục vụ người dân.
Người dân, xã hội đang dần quan tâm, ủng hộ, giám sát, phản hồi ý kiến tích cực hơn đối với các cơ quan nhà nước để cùng xây dựng một nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, nâng cao sự hài lòng của người dân.
Trong đó, mức độ hài lòng của người dân đối với tiếp cận dịch vụ hành chính công được đo lường trên 3 nội dung:
Thứ nhất, trung tâm phục vụ hành chính công/bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có biển hiệu, hướng dẫn rõ ràng, giúp người dân dễ tìm, dễ thấy.
Thứ hai, bộ phận một cửa có đủ ghế ngồi chờ, ngồi giải quyết công việc và bàn viết cho người dân.
Thứ ba, bộ phận một cửa có trang thiết bị phục vụ người dân đầy đủ, chất lượng tốt, giúp người dân giải quyết công việc dễ dàng hơn.
Năm 2024, mức độ hài lòng đối với việc tiếp cận dịch vụ nói chung trong cả nước là 84,27%.
Mức độ hài lòng với 3 nội dung của việc tiếp cận dịch vụ và với việc tiếp cận dịch vụ nói chung của 63 tỉnh, thành phố năm 2024 nằm trong khoảng từ 78,43 - 92,14%.
Trong khi đó, mức độ hài lòng của người dân đối với thủ tục hành chính được đo lường trên 4 nội dung:
Thứ nhất, quy định thủ tục hành chính được niêm yết công khai tại bộ phận một cửa dễ thấy, dễ hiểu.
Thứ hai, người dân được yêu cầu nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đúng theo quy định.
Thứ ba, người dân được yêu cầu nộp phí/lệ phí giải quyết thủ tục hành chính đúng theo quy định.
Thứ tư, thời hạn giải quyết thủ tục hành chính cho người dân đúng theo quy định.
Mức độ hài lòng đối với các nội dung của thủ tục hành chính và đối với thủ tục hành chính nói chung của 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng từ 76,95% - 93,21%.
Tiếp đó, mức độ hài lòng của người dân đối với công chức trực tiếp giải quyết công việc cho người dân tại bộ phận một cửa được đo lường trên 3 nội dung:
Thứ nhất, công chức có thái độ giao tiếp lịch sự, tôn trọng đối với người dân.
Thứ hai, công chức hướng dẫn hồ sơ dễ hiểu. đầy đủ, giúp người dân có thể hoàn thiện hồ sơ sau một lần hướng dẫn.
Thứ ba, công chức tuân thủ đúng quy định trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Mức độ hài lòng đối với công chức trực tiếp giải quyết công việc tại bộ phận một cửa nói chung trong cả nước năm 2024 là 84,29%.
Mức độ hài lòng đối với 3 nội dung của công chức trực tiếp giải quyết công việc tại bộ phận một cửa và đối với công chức trực tiếp giải quyết công việc tại bộ phận một cửa nói chung của 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng từ 78,19% - 93,37%.
https://laodong.vn/thoi-su/5-tinh-thap-nhat-ve-chi-so-hai-long-cua-nguoi-dan-voi-co-quan-hanh-chinh-1487593.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)