Chất lượng lao động chưa đáp ứng thị trường hiện đại, linh hoạt
Theo Tổng cục Thống kê, tình hình lao động việc làm năm 2024 có nhiều điểm sáng, ước thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Đáng chú ý, tỉ lệ lao động qua đào tạo năm 2024 ước đạt 69%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước đạt 28,1%.
Như vậy, hiện nay cả nước vẫn còn gần 38 triệu lao động chưa qua đào tạo, trong khi mục tiêu của Chính phủ thông qua Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 là tỉ lệ qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35% - 40%. Con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho người lao động, đặc biệt trong việc xây dựng các chương trình, chính sách đào tạo trong thời gian tới.
Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) nhận định, thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế.
Bên cạnh đó, cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu. Chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
Thực hiện phương châm “3 cùng”
Trao đổi với PV Lao Động ngày 13.1, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho hay, năm 2024, thị trường lao động đã phục hồi và phát triển tích cực, xét cả cung - cầu lao động và việc tổ chức thực hiện kết nối cung cầu lao động.
Vấn đề đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động để tham gia và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động có ý nghĩa quyết định. Trong mục tiêu cụ thể của Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 176/QĐ- TTg ngày 5.2.2021 thì tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35- 40% vào năm 2030. Theo ông Lê Quang Trung, đây là mục tiêu rất quan trọng, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự phát triển trong thời kỳ mới, đòi hỏi các ngành các cấp, các doanh nghiệp, tổ chức và đặc biệt là người lao động phải chuyển đổi nhận thức; tổ chức đánh giá nhu cầu đào tạo và có chương trình kế hoạch cụ thể để đào tạo nâng cao trình độ người lao động và đáp ứng được nhu cầu thực sự của thị trường lao động.
“Đặc biệt, thực hiện công tác dự báo cung - cầu lao động ở từng địa phương, vùng và cả nước; thực hiện đào tạo theo phương châm 3 cùng “cùng tuyển sinh- cùng đào tạo - cùng giải quyết việc làm sau đào tạo” giữa doanh nghiệp và đơn vị đào tạo; có chính sách và hình thức đào tạo phù hợp với từng đối tượng lao động, từng doanh nghiệp, từng vùng và địa phương; tăng cường các hoạt động về thông tin thị trường lao động và hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; có các biện pháp để sử dụng và sử dụng có hiệu quả lao động sau đào tạo; qua tâm đào tạo thường xuyên, đào tạo suốt đời...”, ông Lê Quang Trung nói.
Bà Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) cho rằng, công tác thúc đẩy phát triển kỹ năng/kỹ năng nghề thanh niên sẽ dựa trên "4 nhà": nhà doanh nghiệp với vai trò là "người đặt hàng"; nhà nước với vai trò là nhà quản lý; nhà trường là nguồn cung cấp nhân lực (vai trò của nhà trường là động lực phát triển nguồn nhân lực); nhà báo mang vai trò lan tỏa, truyền thông thông điệp, ý nghĩa.
https://laodong.vn/cong-doan/gan-38-trieu-lao-dong-chua-qua-dao-tao-1449133.ldo