Phản bác các luận điệu đòi kiện Việt Nam không cam kết các Hiệp định thương mại EVFTA
Để hiện thực hóa các cam kết, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm nội luật hóa các cam kết về lao động, công đoàn trong các Hiệp định thương mại EVFTA.
Vừa qua, một số các tổ chức phản động như “Hội bảo vệ người lao động - Vietnam Worker Defenders”, “Việt Tân”, “Support Committee for Vietnam”… lan truyền thông tin nộp đơn kiện Nhà nước Việt Nam lên cơ chế Châu Âu Single Entry Point vì chưa thực hiện đầy đủ các cam kết trong Hiệp định thương mại EVFTA. Đồng thời vào ngày 19/11/2024, nhóm này đã tham gia buổi họp với các cơ quan chức năng của Quốc hội châu Âu nhằm trình bày về đơn kiện.
Các tổ chức này đã xuyên tạc Việt Nam không tuân thủ thực hiện các Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO (Công ước 87) và kêu gọi EU yêu cầu Việt Nam “sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2019 để cho phép người lao động hành nghề tự do được quyền thành lập tổ chức đại diện người lao động cũng như cho phép các tổ chức đại diện người lao động được quyền liên kết với nhau. Chúng chiếu video của Đặng Thị Huệ, một đối tượng đang lẩn trốn ở Thái Lan vì cho rằng Huệ là “nhân chứng sống” về việc bị cơ quan chức năng Việt Nam truy lùng vì đấu tranh thành lập các tổ chức lao động độc lập, đòi quyền lợi cho công nhân… Những luận điệu của các hội nhóm trên là hoàn toàn sai lệch và không khách quan, chính xác về tình hình người lao động tại Việt Nam.
Trên thực tế, để hiện thực hóa các cam kết, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm nội luật hóa các cam kết về lao động, công đoàn trong các Hiệp định thương mại như CPTTP, EVFTA. Đặc biệt, tại khoản 3, Điều 3, Bộ luật Lao động (năm 2019) nêu rõ “Tổ chức đại diện người lao động tại đơn vị được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động, nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”. Đồng thời tại chương XIII, với 9 điều (từ Điều 170 đến Điều 178), Bộ Luật Lao động (năm 2019) đã các quy định cụ thể về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (1)
Theo PGS.TS Bùi Đình Bôn – một chuyên gia nghiên cứu về công nhân, công đoàn “Một thỏa thuận rất quan trọng trong cam kết CPTPP là, mặc dù phải bảo đảm thực hiện quyền tự do liên kết của người lao động theo tiêu chuẩn lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nhưng tổ chức đó ra đời và hoạt động phải phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại là thành viên CPTPP. Điều đó có nghĩa là, tổ chức của người lao động ở Việt Nam ra đời phải trong khuôn khổ pháp luật, chịu sự quản lý của Nhà nước Việt Nam thông qua công cụ pháp luật, nhất là pháp luật về lao động và công đoàn”, đồng thời “làm tròn vai trò đại diện cho người lao động, đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào phong trào công nhân, công đoàn của đất nước” (2)
Trên thực tế, các tổ chức “nghiệp đoàn lao động độc lập” mà các đối tượng nhắm đến chủ yếu là các tổ chức chống phá dưới vỏ bọc “công đoàn độc lập” lợi dụng những khó khăn, những vấn đề bất cập lĩnh vực trong lao động, việc làm như việc công nhân phải tăng ca, người sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội, vấn đề tăng giảm lương, cắt giảm biên chế hay mâu thuẫn với giới chủ… để lôi kéo công nhân, người lao động tham gia các hoạt động trái pháp luật.
Bên cạnh đó, “các nghiệp đoàn độc lập” do các cá nhân, tổ chức chống đối lập nên thực chất chỉ hoạt động tự phát, thông qua facebook, nổi lên là nhóm “Công đoàn độc lập” của Đặng Thị Huệ không đăng ký tư cách pháp nhân, không tiến hành các thủ tục xin phép thành lập và bản chất là cũng không đại diện cho người lao động.
Đáng nói hơn nữa là, các tổ chức “độc lập” mà các đối tượng tự lập trên dù mang danh là bảo vệ quyền lợi, lợi ích của công nhân, người lao động nhưng lại không hề có ý định hợp tác cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các doanh nghiệp để tìm hiểu, hỗ trợ đời sống của công nhân, người dân lao động, hỗ trợ tài chính, các kỹ năng phát triển nghề nghiệp hay hỗ trợ pháp lý cho họ. Thay vào đó, các hội, nhóm này hoạt động thông qua việc lập một trang fanpage trên mạng xã hội (chủ yếu là facebook), tự nhận mình là tổ chức độc lập, không liên quan đến các tổ chức của Nhà nước, hoạt động nhằm “bảo vệ quyền lợi của công nhân”. Sau đó, thường xuyên đăng tải các bài viết về tình hình công nhân, đưa tin về việc ngừng việc tập thể của công nhân tại các khu công nghiệp, thậm chí về tận nơi, phỏng vấn công nhân gặp nhiều khó khăn, tìm hiểu, khai thác các vấn đề nội bộ, các mâu thuẫn giữa công nhân và giới chủ rồi kích động họ kiện cáo, bỏ việc, thậm chí tham gia các cuộc đình công, biểu tình bất hợp pháp…
Mục đích của các tổ chức ấy là vừa khoa trương hình ảnh, rồi liên hệ với các tổ chức phản động, chống đối cực đoan ở bên ngoài như “Hội bảo vệ người lao động -Vietnam Worker Defenders”, “Support Committee for Vietnam”, “Lao động Việt” hay thậm chí là tổ chức khủng bố “Việt Tân”, cung cấp thông tin, hình ảnh, tài liệu thu được từ trong nước cho các tổ chức này để nhận tiền tài trợ, rồi tiếp tục hoạt động. Tiếp đó, các thông tin, hình ảnh trên lại được các tổ chức ở bên ngoài biên tập, cắt ghép, rồi lập hồ sơ gửi cho các tổ chức lao động, tổ chức nhân quyền quốc tế hay thậm chí là lên Quốc hội châu Âu, vu cáo, xuyên tạc Nhà nước Việt Nam không bảo vệ quyền lợi người lao động, không cho những “tổ chức độc lập” trong nước hoạt động.
Rõ ràng việc chỉ thành lập một trang fanpage, hoặc “tuyên bố” thành lập một tổ chức, không hề tuân theo một quy định cụ thể nào của pháp luật, hoạt động chủ yếu trên mạng xã hội, kích động công nhân, người lao động ngừng việc tập thể để liên hệ với các tổ chức phản động lưu vong hòng trục lợi thì không thể coi là một tổ chức hoạt động hợp pháp, bảo vệ quyền lợi của người lao động như chúng rao giảng được. Điều trớ trêu thay, một tổ chức nhân danh bảo vệ người lao động nhưng tổ cức đó lại ra đời bất hợp pháp. Liệu nó có đủ tư cách để bảo vệ quyền lợi cho người lao động?
Việc các tổ chức tham vấn của liên minh châu Âu như EU-DAG tiếp nhận, xem xét các thông tin xuyên tạc và có cái nhìn phiến diện, quan điểm sai lệch về tình hình nhân quyền tại Việt Nam cho thấy sự thiếu thiện chí, không tôn trọng mối quan hệ hợp tác với Việt Nam bởi lẽ Liên minh châu Âu và Việt Nam đã có cơ chế Đối thoại nhân quyền, thường xuyên tổ chức các buổi làm việc, trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm, tìm ra giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, nhất là trong công tác đánh giá tình hình bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là hợp tác thương mại, đầu tư nhằm thúc đẩy kinh tế, mở ra môi trường phát triển giữa hai bên. Tuy nhiên, việc các tổ chức phản động lưu vong lợi dụng các cam kết trong thực hiện hiệp định kinh tế này, nhất là vấn đề quyền người lao động để thúc đẩy phía EU gây sức ép, thậm chí trừng phạt Việt Nam cho thấy âm mưu chống phá, cực đoan đối với Việt Nam. Thực tế đã chứng minh, trong những năm qua, Việt Nam luôn giữa vững chủ trương, chính sách nhất quán là lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, luôn đặt mục tiêu thúc đẩy quyền con người gắn với tăng trưởng kinh tế bền vững. Đồng thời, Việt Nam cũng luôn nỗ lực điều chỉnh, sửa đổi pháp luật cũng như tham gia và thực hiện các công ước của tổ chức Lao động quốc tế ILO phù hợp với tình hình, điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam. Ngày 11/12, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính, lãnh đạo các bộ, ngành và đại diện các tổ chức quốc tế cho thấy Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực quyền con người. Thay vì tiếp nhận các thông tin vu cáo, bóp méo từ các tổ chức chống Việt Nam cực đoan, Liên minh châu Âu (EU) nên trao đổi với Việt Nam những vấn đề còn chưa rõ để tìm cách giải quyết, để cùng hợp tác, cùng phát triển.
----
Tài liệu tham khảo
(1) Bộ Luật Lao động năm 2019
(2) Bài viết “Bàn về tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp và những thách thức đặt ra đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam hiện nay” đăng trên Tạp chí Cộng sản điện tử ngày 02/11/2021 (https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/824270/ban-ve-to-chuc-cua-cong-nhan-tai-doanh-nghiep-va-nhung-thach-thuc-dat-ra-doi-voi-to-chuc-cong-doan-viet-nam-hien-nay.aspx.