Nhiều công nhân không về quê dịp nghỉ lễ, ở lại thành phố làm việc và tự tạo niềm vui cho bản thân. Ảnh: Quỳnh Chi
Chị Bùi Thị Hoa quê ở huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Chị Hoa đang làm công nhân may tại Khu công nghiệp Nam Thăng Long (Hà Nội). Dịp nghỉ lễ 30.4, 1.5 năm nay, chị Hoa quyết định không về quê mà ở lại Hà Nội.
“Công ty tôi cho nghỉ lễ 3 ngày nhưng cũng kèm thông báo công nhân có thể đăng ký làm xuyên lễ để kịp đơn hàng. Sau Tết, tôi có xin nghỉ để giải quyết việc gia đình nên đợt này quyết định không về mà ở lại làm thêm”, chị Hoa nói.
Cũng theo chị Hoa, quãng đường từ nhà trọ thuê ở Hà Nội về quê chị hơn 170km. Nguyên tiền vé xe đi - về nếu gọi xe tiện chuyến cũng tốn khoảng 800.000 đồng; nếu đi xe khách bình thường khoảng 550.000 đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với mẹ đơn thân đang phải nhờ ông bà ngoại nuôi con nhỏ ở quê như chị. “Chưa kể, tôi còn hay bị say xe. Nếu về với con được vài hôm lên mà xe đông, tắc đường thì mấy ngày đi làm sau nghỉ lễ sẽ rất mệt mỏi”, chị Hoa cho hay.
Ở lại thành phố, chị Hoa hẹn mấy người bạn đồng hương qua phòng trọ tổ chức liên hoan. Nhóm bạn cũng hẹn nhau vào nội đô đi chơi công viên và ghé siêu thị “săn” quần áo giảm giá.
Cũng quyết định không về quê dịp lễ, anh Đoàn Văn Hùng (quê huyện Tân Sơn, Phú Thọ) ở lại Hà Nội tranh thủ hoàn thiện công trình cơ khí theo đề nghị của chủ đầu tư.
Anh Hùng cùng 2 người bạn đồng hương mở một cửa hàng cơ khí tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Nhờ tay nghề vững, giá cả phải chăng, làm việc có trách nhiệm, cửa hàng cơ khí của anh Hùng thường xuyên làm không hết việc.
Dịp lễ, chủ đầu tư công trình cơ khí đề nghị anh làm xuyên lễ, đẩy nhanh tiến độ để kịp hoàn thiện theo dự kiến. Bù lại, ngoài khoản tiền thanh toán theo hợp đồng, anh Hùng còn được bồi dưỡng thêm 3 triệu đồng.
“Các con tôi năm tới đều chuyển cấp, có thêm khoản nào là quý khoản ấy để lo cho các cháu. Tôi quyết định không về quê dịp này, chờ đầu tháng 6 các cháu nghỉ hè thì đón 3 mẹ con xuống Hà Nội chơi luôn”, anh Hùng cho hay.
Cũng theo anh Hùng, dự kiến công trình sẽ hoàn thiện vào Chủ nhật, ngày 4.5. Tối chủ nhật nhóm thợ của cửa hàng anh sẽ tổ chức liên hoan, thanh toán tiền công cho anh em thợ.
Xa nhà 14 năm xuống Hà Nội làm thợ cơ khí, từ làm thuê rồi lên làm chủ một cửa hàng nhỏ, anh Hùng cho hay đã quen với nhiều dịp lễ tết hoặc không về quê, hoặc có về cũng phải về muộn xuống sớm để đảm bảo tiến độ công trình. Bù lại, anh sẽ bù đắp cho vợ con những khi đơn hàng vãn. Đặc biệt, kỳ nghỉ hè nào anh cũng đón vợ con xuống Hà Nội chơi để gia đình thêm gắn kết.
Cũng giống anh Hùng, anh Phạm Chí Tài (quê huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) hiện làm quản lý cho một nhà hàng tại quận Hà Đông.
Lễ 30.4, 1.5 năm nay, anh Tài về quê sớm 1 tuần. Chính lễ, anh ở lại quản lý nhà hàng đảm bảo hoạt động thông suốt. “Tôi quen với việc này nhiều năm nay rồi. Mình làm dịch vụ chấp nhận những ngày lễ tết phải đi làm, thậm chí làm nhiều hơn ngày thường để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Bù lại, những ngày này chúng tôi thường được khách hào phóng “bo” thêm, doanh số tăng nên chủ nhà hàng cũng thưởng cho anh em xứng đáng”, anh Tài chia sẻ.
Theo anh Tài, những nhân viên ở lại làm dịp lễ sẽ được nghỉ trọn vẹn 1 ngày vào thứ Hai, ngày 5.5. Cả nhóm nhân viên này đã hẹn nhau liên hoan trưa ngày 5.5, trong đó nhà hàng nơi anh Tài làm việc tài trợ mỗi người 200.000 đồng cho tiệc liên hoan.
“Chúng tôi dự định tập trung nhà 1 đồng nghiệp, tự đi chợ mua đồ về nấu nướng vừa đỡ tốn kém vừa đảm bảo an toàn. Ai cũng phấn khởi vì dù ở lại làm thêm dịp lễ nhưng đều có đãi ngộ xứng đáng”, anh Tài vui vẻ nói.
https://laodong.vn/cong-doan/khong-ve-que-dip-le-cong-nhan-tu-nang-cao-doi-song-tinh-than-1500687.ldo