Chị Nguyễn Thị Hương (30 tuổi) - nhân viên sáng tạo nội dung tại Hà Nội cho biết, chị đang phải “gồng mình” với nhiều áp lực trong công việc mỗi ngày.
“Tôi vừa phải gồng mình với công việc, đồng nghiệp, vừa phải cạnh tranh với lớp trẻ vừa phải chinh phục AI (trí tuệ nhân tạo) để tồn tại và phát triển” - chị Hương cho hay.
Theo chị Hương, công ty sẽ đánh giá năng lực 6 tháng 1 lần. Những ai đạt hiệu quả công việc cao sẽ được tăng lương hoặc thăng chức. Các ứng viên không đạt hiệu quả hoặc quá kém có thể bị giảm lương hoặc cho thôi việc.
Với lớp trẻ, theo nữ nhân viên, đối tượng này có khá nhiều thế mạnh, nhất là về công nghệ thông tin hoặc diễn xuất tự tin trước ống kính. Nếu không thích nghi được hai thế mạnh này ở mức độ cơ bản, chị phải đối diện với nguy cơ bị thay thế.
Bên cạnh đó, AI đang khiến chị Hương đau đầu.
Nữ nhân viên cho biết, có những công việc chị phải cần đến 2 ngày mới hoàn thành thì AI có thể thực hiện xong chỉ trong vài tiếng.
Theo báo cáo Chỉ số Xu hướng Công việc của Microsoft gần đây:
54% người lao động lo lắng AI sẽ thay thế vị trí công việc của họ, nhưng 90% mong muốn giao càng nhiều việc càng tốt cho AI để giảm bớt khối lượng công việc.
94% người lao động cảm thấy thoải mái khi sử dụng AI không chỉ cho các công việc hành chính mà còn cho công việc phân tích và sáng tạo
Để tồn tại, chị Hương chia sẻ, chị luôn học hỏi các kỹ năng khác nhau mỗi ngày để đáp ứng công việc. Nữ nhân viên cũng tìm hiểu sử dụng thường xuyên AI giúp công việc nhanh hơn chứ không phủ nhận lợi ích của AI trong công việc hàng ngày.
Đối với các công nhân lao động phổ thông, áp lực chủ yếu đến từ năng suất công việc và tuổi tác.
Chị Phạm Thị Mai (23 tuổi) - công nhân may tại Nam Định cho rằng, làm ở công ty lớn nhiều đãi ngộ tốt nhưng vô cùng áp lực khi không đạt năng suất.
Với người lao động làm việc văn phòng, họ cảm thấy áp lực khi phải cạnh tranh với lớp trẻ thì chị Mai - công nhân may mặc phải cố gắng mỗi ngày để đạt mức lương tối thiểu. Ảnh: Minh Hương.
“Ban lãnh đạo công ty quy định nếu 3 tháng liên tiếp không tháng nào đạt thu nhập 5 triệu đồng trở lên sẽ cho thôi việc. Dù biết còn nhiều nơi khác để thử sức nhưng tôi vẫn thấy chạnh lòng và lo lắng nếu bị thôi việc” - chị Mai nói.
Lý giải quan điểm này, chị Mai cho biết, làm việc theo dây chuyền, nếu một cá nhân không đạt sẽ ảnh hưởng đến năng suất cả chuyền. Khi gặp các công đoạn khó, đơn giá thấp, kinh nghiệm chưa vững, chị Mai càng thêm lo lắng.
Chia sẻ kỹ hơn, nữ công nhân nói, nếu gặp phải những công đoạn đơn giá thấp làm cả ngày dù ra nhiều sản lượng cũng chỉ được hơn 100.000 đồng. Để đạt chỉ tiêu, chị Mai đều cố gắng hết sức, thậm chí ở lại 15 đến 30 phút để làm việc.
Bà Phạm Thị Toan (50 tuổi) - công nhân giày da tại Nam Định cho hay, khi công ty vào "mùa" ít việc hoặc gặp khó khăn, bản thân vô cùng lo lắng. Những công nhân lớn tuổi luôn là đối tượng được công ty cho thôi việc đầu tiên.
“Lớn tuổi mắt kém, tay chân chậm, năng suất không ra được nhiều như lớp trẻ. Nếu mất việc, tôi càng lo lắng vì ngoài 50 tuổi gần như rất khó tìm được công việc mới phù hợp” - bà Toan nói.
Ở độ tuổi này, bà Toan nhận thấy có rất nhiều thứ áp lực nhưng không dám nghỉ việc như những người trẻ. Nữ công nhân luôn tự nhủ phải không ngừng cố gắng, hạn chế nghỉ việc riêng để đảm bảo hiệu quả công việc.
https://laodong.vn/cong-doan/nguoi-lao-dong-duoi-ap-luc-duy-tri-cong-viec-1504276.ldo