Anh Hoàng Công Tùng cho rằng, đối với người lao động, phúc lợi và quan tâm của lãnh đạo doanh nghiệp quyết định lớn đến sự gắn bó của lao lao động với công ty. Ảnh: Quỳnh Chi
Lương không phải tất cả
Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh từng là nhân viên marketing cho một thương hiệu váy cưới tên tuổi tại Hà Nội. Do học hành bài bản, làm đúng chuyên ngành để học nên chị Ngọc Anh là một trong những nhân viên xuất sắc của công ty, được nhận lương khá cao so với mặt bằng chung.
Gắn bó 2 năm, cuối năm 2024, chị Ngọc Anh quyết định nghỉ việc tại công ty cũ, chuyển sang làm marketing cho một thương hiệu thời trang. Nhiều đồng nghiệp cũ tỏ ra ngạc nhiên vì công việc của chị Ngọc Anh tại công ty mới vất vả hơn, lương khởi điểm thậm chí không bằng mức lương chị nhận được ở công ty cũ.
“Tôi chấp nhận thay đổi công việc, làm cho công ty mới với lương khởi điểm thấp hơn lương đang nhận ở công ty cũ 4 triệu đồng/tháng. Trước lương của tôi được 20 triệu đồng/tháng, thêm tiền thưởng và tiền ăn trưa, tổng thu nhập khoảng 25 triệu đồng/tháng. Từ tháng 2.2025, tôi làm công ty mới với lương khởi điểm 16 triệu đồng/tháng”, chị Ngọc Anh chia sẻ.
Nguyên nhân khiến chị Ngọc Anh “dứt áo ra đi” vì chị không thấy tương lai công việc ở công ty cũ. Quan trọng hơn, theo chị Ngọc Anh, ngoài lương cứng, phần tiền thưởng doanh số của chị gần như “đứng im”. Nghĩa là kể cả doanh số mùa thấp điểm hay mùa cao điểm, chị cũng chỉ được thưởng cố định khoảng 3,5 triệu đồng/tháng.
“Tôi thấy bất hợp lý, đã trao đổi với quản lý trực tiếp và lãnh đạo công ty vài lần nhưng đều nhận được câu trả lời: “Sẽ xem xét”, sau đó không có phản hồi. Tôi thấy không được tôn trọng, phúc lợi không tương xứng với công sức nên quyết định nghỉ việc”, chị Ngọc Anh chia sẻ.
Yêu công ty vì sự quan tâm của lãnh đạo
May mắn hơn chị Ngọc Anh, anh Hoàng Công Tùng là nhân viên thiết kế đồ họa cho một công ty kiến trúc đóng tại quận Ba Đình (Hà Nội).
Anh Tùng cho hay, so với mặt bằng chung, mức lương công ty trả 30 triệu đồng/tháng không phải là mức thu nhập cao nhất mà anh có thể đàm phán nhận được từ người sử dụng lao động. Thế nhưng, anh đã gắn bó với công ty gần 5 năm nay, từ khi mức lương khởi điểm 12 triệu đồng/tháng.
“Tôi rất yêu công ty, yêu môi trường làm việc mình đang gắn bó. Sếp tôi cực kỳ tâm lý và rất quan tâm đến nhân viên, người lao động. Ngoài việc được trao đổi thẳng thắn về công việc, chúng tôi có thể đề xuất nhiều yêu cầu liên quan đến phúc lợi chung của người lao động. Phòng bi-a, bếp ăn nội bộ là những tiện ích, phúc lợi chúng tôi có được từ việc đề xuất với lãnh đạo”, anh Tùng nói.
Cũng theo anh Tùng, công ty anh cho mỗi nhân viên nghỉ 5 ngày mỗi tháng. Mọi người có thể tùy chọn ngày cuối tuần hoặc bất cứ ngày nào trong tuần, miễn có sự trao đổi trước với bộ phận hành chính. Tất nhiên, ngày nghỉ của mỗi cá nhân cũng cân đối để không ảnh hưởng công việc chung hoặc tiến độ của dự án đã ký kết.
Anh Tùng cho biết, có tới 80% nhân sự trong công ty anh đã gắn bó trên 7 năm, chỉ số ít nhân sự bộ phận bán hàng có sự thay đổi do không đáp ứng KPI doanh nghiệp đề ra.
“Chúng tôi còn đặc biệt thích thú với kỳ nghỉ hằng năm của công ty. Lãnh đạo thường đưa ra 3 lựa chọn điểm đến, điểm nào được nhân viên bình chọn nhiều nhất sẽ tổ chức kỳ nghỉ ở đó. Chúng tôi thấy được tôn trọng, được lãnh đạo quan tâm. Đây là điều còn quan trọng hơn mức lương cao hơn vài triệu đồng mỗi tháng, đối với cá nhân tôi. Tôi tin cũng là quan điểm của không ít lao động khác”, anh Tùng chia sẻ.
https://laodong.vn/cong-doan/lao-dong-gan-bo-vi-phuc-loi-doanh-nghiep-tot-1504266.ldo