Trang chủChuyên đềChính sách, pháp luật - quan hệ lao động
Chính sách, pháp luật - quan hệ lao động
Cập nhật lúc 02:52 08/05/2025 (GMT+7)
Bảo đảm quyền lợi cho cán bộ Công đoàn

Tăng chế tài xử phạt để bảo đảm tính răn đe của pháp luật và quyền lợi chính đáng của cán bộ Công đoàn

Theo quy định của Bộ Luật Lao động và Luật Công đoàn, hành vi phân biệt đối xử đối với thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) tại cơ sở bị nghiêm cấm. Đồng thời, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), chuyển làm công việc khác, kỷ luật sa thải đối với cán bộ Công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải thỏa thuận bằng văn bản với ban lãnh đạo của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở. Thế nhưng, hiện vẫn có không ít NSDLĐ vi phạm quy định này gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của cán bộ Công đoàn.

Vi phạm pháp luật

Mới đây, tại phiên tòa giám đốc thẩm, TAND Cấp cao tại TP HCM xác định một doanh nghiệp tại tỉnh Tây Ninh đã có hành vi ngược đãi, thực hiện đình chỉ công việc, xử lý kỷ luật sa thải đối với ông P.B.T, nguyên giám đốc sản xuất kiêm ủy viên ban chấp hành (BCH) Công đoàn công ty, trái quy định pháp luật. Tòa đã hủy các bản án trước đó, giao hồ sơ về cho TAND huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh giải quyết lại vụ án đúng theo quy định pháp luật.

Ông T. làm việc tại công ty từ năm 2009 và đã ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Ông cũng được bầu vào BCH Công đoàn công ty nhiệm kỳ đến năm 2022. Ngày 3-8-2020, công ty ra quyết định điều chuyển ông từ vị trí giám đốc sang làm nhân viên xưởng. Do ông T. khiếu nại nên ngày 27-8-2020, công ty đã thu hồi quyết định điều chuyển, đồng thời ra quyết định đình chỉ công việc của ông trong thời hạn 30 ngày.

Bảo đảm quyền lợi cho cán bộ Công đoàn - Ảnh 1.

Cán bộ Công đoàn các KCX-CN TP HCM (thứ 2 từ phải sang) hướng dẫn thủ tục khởi kiện đòi nợ BHXH cho người lao động

Từ ngày 6 đến 8-10-2020, ông T. quay lại làm việc theo thông báo của công ty, song lại được bố trí ngồi một mình trong phòng trưng bày, không được bật thiết bị điện, có nhân viên bảo vệ canh giữ ở cửa… Cho rằng bị ngược đãi, từ ngày 9-10-2020, ông T. không đến công ty nữa. Sau đó, công ty họp xét xử lý kỷ luật lao động và ra quyết định sa thải ông T. với lý do tự ý nghỉ việc từ ngày 13 đến 27-10-2020 không có lý do chính đáng. Không đồng ý với quyết định này, ông T. khởi kiện ra tòa, yêu cầu tuyên bố quyết định xử lý kỷ luật lao động của công ty là trái pháp luật và bồi thường tổng số tiền hơn 862 triệu đồng.

Tại tòa, đại diện công ty khẳng định đã thực hiện sa thải ông T. đúng quy định pháp luật cả về hình thức và nội dung. Việc ông T. cho rằng công ty có hành vi giam giữ, ngược đãi NLĐ là không đúng sự thật. Tuy nhiên, tòa giám đốc thẩm đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của công ty như: xử lý kỷ luật sa thải đối với cán bộ Công đoàn nhưng chưa thực hiện thỏa thuận bằng văn bản với BCH Công đoàn cơ sở; khi quyết định tạm đình chỉ công việc của ông T., công ty không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ.

Bên cạnh đó, việc điều chuyển từ vị trí giám đốc sang nhân viên xưởng thực chất là cách chức nhưng công ty cố tình lách luật, không làm theo đúng quy định về quy trình xử lý kỷ luật hình thức cách chức… "Từ những sai phạm trên, việc công ty ra quyết định xử lý kỷ luật sa thải đối với ông T. là trái quy định pháp luật" - Hội đồng xét xử khẳng định.

Tăng chế tài xử phạt

Theo ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, trong thực tế, việc cán bộ Công đoàn bị NSDLĐ cho nghỉ việc khi thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ diễn ra khá phổ biến.

Chẳng hạn, trường hợp bà L.T.T - nhân viên thẩm định bộ phận kỹ thuật, cũng là Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May mặc T.T (tỉnh Đồng Nai) - xảy ra cách đây ít lâu. Nguyên nhân xuất phát từ việc công ty đổi chủ kéo theo việc cắt giảm quyền lợi của NLĐ. 

Bà T. không đồng ý với các chính sách này dẫn đến bị phân biệt đối xử như: cắt công việc chuyên môn (chỉ làm công tác Công đoàn); yêu cầu ký quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc không hợp lý; giao công việc không đúng HĐLĐ đã giao kết; ban hành 34 quyết định kỷ luật hình thức khiển trách và cuối cùng là ra quyết định chấm dứt HĐLĐ với lý do bà T. không thực hiện công việc theo HĐLĐ. 

Sau đó, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, tại tòa bà T. đã chứng minh được hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ của công ty là trái pháp luật và phải bồi thường.

Từ thực tế trên, để bảo đảm điều kiện hoạt động cho Công đoàn cũng như quyền lợi của cán bộ Công đoàn, tại Luật Công đoàn 2024 (hiệu lực từ ngày 1-7-2025) đã quy định rõ hơn về việc Công đoàn là "đại diện theo pháp luật" cho cán bộ Công đoàn để khởi kiện trong trường hợp NLĐ là cán bộ Công đoàn không chuyên trách bị NSDLĐ chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc (HĐLV), buộc thôi việc hoặc sa thải trái pháp luật.

Ngoài ra, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 12/2022/NĐ-CP (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng), Bộ Nội vụ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về Công đoàn. 

Trong đó, đáng chú ý là quy định phạt tiền từ 15 - 30 triệu đồng đối với NSDLĐ có hành vi sau đây đối với NLĐ, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở, cán bộ Công đoàn: phân biệt đối xử về tiền lương, thưởng, phúc lợi, thời giờ làm việc, các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động; sa thải, kỷ luật lao động, đơn phương chấm dứt, không tiếp tục giao kết hay không gia hạn HĐLĐ, HĐLV hoặc chuyển làm công việc khác…

Trường hợp không gia hạn HĐLĐ, HĐLV đến hết nhiệm kỳ đối với NLĐ là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở, cán bộ Công đoàn thì buộc NSDLĐ phải gia hạn HĐLĐ, HĐLV đã giao kết đến hết nhiệm kỳ. 

Theo Luật Công đoàn 2024, trường hợp NLĐ là cán bộ Công đoàn không chuyên trách bị NSDLĐ chấm dứt HĐLĐ, HĐLV, buộc thôi việc hoặc sa thải trái pháp luật mà không thể trở lại làm công việc cũ thì được Công đoàn hỗ trợ tìm việc làm mới. Đồng thời, trong thời gian gián đoạn việc làm sẽ được hỗ trợ bằng tiền từ nguồn tài chính Công đoàn theo quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Theo NLĐ

In
Về đầu
Lượt truy cập: